Bắc Giang: Hàng loạt sai phạm về quản lý, sử dụng đất rừng tại Yên Thế

08/11/2017 00:00

(TN&MT) – Sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh về những bất cập trong chính sách giao đất, giao rừng cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế quản...

(TN&MT) – Sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh về những bất cập trong chính sách giao đất, giao rừng cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế quản lý gần 2.000 ha rừng khiến người dân 9 xã, thị trấn bức xúc, gửi đơn thư khiếu nại đi khắp nơi cầu cứu, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo lập Tổ công tác thanh tra toàn diện công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thế và chỉ rõ hàng loạt sai phạm.
 
Hàng loạt sai phạm
 
Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin, vừa qua, người dân 9 xã, thị trấn thuộc huyện Yên Thế đã phản đốt quyết liệt về Quyết định số 35/QĐ-UBND ban hành ngày 27/01/2015 do ông Lại Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khi giao đất, giao rừng cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Yên Thế thuê hơn 1.877 ha rừng và đất để sản xuất kinh doanh gồm cả vào những diện tích người dân đã sử dụng ổn định nhiều năm nay. Đáng nói hơn, một phần diện tích đất được người dân trồng rừng theo các dự án của Nhà nước những năm trước đây nhưng UBND tỉnh lại giao cho doanh nghiệp thuê nên gây nhiều bức xúc.
 
Trước những bức xúc của người dân, ngày 27/7/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định đã thành lập Tổ công tác thanh tra toàn diện về công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thế do ông Ngô Văn Xuyên – Phó giám đốc Sở TN&MT Bắc Giang làm Tổ trưởng cùng các Sở, ban ngành liên quan.
 
Đúng 2 tháng sau, ngày 27/9, Tổ công tác có báo cáo số 270/BC-TCT gửi Chủ tịch tỉnh Bắc Giang chỉ ra hàng loạt sai phạm đối với UBND huyện Yên Thế và Công ty Lâm nghiệp Yên Thế trong việc quản lý và sử dụng đất rừng.
 
Báo cáo của Tổ công tác thanh tra toàn diện công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thế.
Báo cáo của Tổ công tác thanh tra toàn diện công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thế.
 
Theo đó, đối với Công ty Lâm nghiệp Yên Thế, vào năm 2015, Công ty có bàn giao 246,8 ha đất lâm nghiệp do đơn vị được giao quản lý, sử dụng về địa phương quản lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trên một phần diện tích bàn giao còn cây trồng trên đất chưa được khai thác dẫn đến một số xã có liên quan không lập được phương án giao, cho thuê đối với phần diện tích đất lâm nghiệp nhận bàn giao về.
 
Trong những năm trước đây, việc giao đất rừng hồ sơ không rõ ràng, không có hồ sơ địa chính, không giao trên thực địa mà chỉ giao trên sổ sách dẫn tới không xác định được diện tích giữa đất công ty, lâm trường với đất đã giao cho người dân. Chính vì vậy, diện tích trên hồ sơ, giấy tờ và diện tích trên thực địa không thống nhất với nhau. Ngoài ra, trước khi giao đất, Công ty đã không đánh giá tài sản trên đất dẫn đến tình trạng trên diện tích đất giao người dân vẫn sử dụng từ nhiều năm trước đây.
 
Đối với những diện tích thu hồi, bàn giao về địa phương chủ yếu chỉ bàn giao trên sổ sách, không bàn giao trên thực địa dẫn đến việc quản lý diện tích bàn giao về không cụ thể, thậm chí có xã còn không xác định được diện tích bàn giao.
 
Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng nêu rõ, một thời gian dài Lâm trường (Sau này là Công ty Lâm nghiệp) đã buông lỏng quản lý rừng. Nghiêm trọng hơn, sau khi khai thác rừng tự nhiên đã không khoanh nuôi phục hồi, trồng lại rừng nên người dân địa phương lên phục hóa trồng cây lương thực và trồng lại rừng. Trong khi đó, năng lực quản lý của Lâm trường, Công ty còn hạn chế, nhiều diện tích không quản lý được.
 
Còn đối với UBND huyện Yên Thế, báo cáo của Tổ công tác cũng chỉ ra công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp nhiều năm qua chưa được quan tâm, quản lý chưa chặt chẽ. Không những vậy, hồ sơ địa chính, tài liệu bản đồ vừa thiếu lại không chính xác dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý.
 
Trước những bất cập trên, Tổ công tác yêu cầu Công ty Lâm nghiệp Yên Thế phối hợp với các xã có đất nhận bàn giao còn vướng mắc về tài sản phải sớm có phương án khai thác tài sản để địa phương đưa đất vào quản lý. Ngoài ra, đối với những diện tích đất đang tranh chấp với người dân, Công ty phải sớm giải quyết dứt điểm và đưa đất vào quản lý theo quy định.
 
Có "ưu ái" cho doanh nghiệp?
 
Trước đó phản ánh với PV, hàng trăm hộ dân thuộc 9 xã, thị trấn thuộc huyện Yên Thế bức xúc cho biết, nhiều năm nay họ đã chăm sóc và bảo vệ rừng nhưng không được UBND tỉnh Bắc Giang giao đất, giao rừng để ổn định cuộc sống xóa đói giảm nghèo. Không những vậy, UBND tỉnh Bắc Giang còn lấy đất rừng của các hộ dân đang chăm sóc, bảo vệ rồi giao cho Công ty Lâm nghiệp Yên Thế thuê khiến các hộ dân vô tình trở thành người làm thuê trên chính những thửa rừng mà đáng ra họ phải là những người được “ưu tiên” để bám đất, bám rừng.
 
Mặt khác, trong tất cả các chính sách trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc của Đảng và Nhà nước như Dự án 327, Dự án 661, Dự án trồng rừng PAM thì nguyên tắc chỉ đạo là ưu tiên lấy nhân dân là lực lượng chủ yếu trồng rừng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và hưởng lợi từ nghề rừng, tạo môi trường pháp lý thuận lợi. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách giao đất lâm nghiệp gắn với giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình để họ ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà tỉnh Bắc Giang lại đi giao cho doanh nghiệp, đẩy quyền lợi của người dân ra “rìa”.
 
Hàng loạt sai phạm về quản lý, sử dụng đất rừng tại Yên Thế.
Hàng loạt sai phạm về quản lý, sử dụng đất rừng tại Yên Thế.
 
Trong khi đó, ngày 05/5/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 24/2009/TT-BNN hướng dẫn chuyển đổi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng quy hoạch sang rừng sản xuất ở các địa phương đã thực hiện các dự án trồng rừng. Theo đó, tại Điều 2 chương I về nguyên tắc quản lý trong quá trình chuyển đổi rừng thì các Ban QLDA 661 phải giao lại rừng cho tổ chức quản lý rừng trong đó “ưu tiên” cho các hộ gia đình đang sinh sống tại địa phương, các hộ gia đình đã được giao hoặc có các hợp đồng nhận khoán (trồng và bảo vệ rừng) trên diện tích rừng chuyển đổi”.
 
Có thể thấy rằng, các chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc giao đất, giao rừng luôn luôn lấy người dân làm gốc để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế cho người dân ngày đêm trực tiếp gắn bó với rừng. Tuy nhiên tại tỉnh Bắc Giang lại không làm như vậy mà có phần “ưu ái” cho doanh nghiệp. Kỳ lạ hơn, trong khi người dân đang thiếu đất rừng sản xuất trầm trọng thì lãnh đạo tỉnh Bắc Giang lại “hào phóng” cho một doanh nghiệp là Công ty Cổ phần ĐTXD&TM Trường Lộc thuê gần 1400 ha rừng với mức giá cho thuê là …43,2đ/1m2/năm, thậm chí còn được miễn tiền thuê đất trong 15 năm. 
 
Trước những việc làm trên, dư luận đặt ra vấn đề phải chăng có sự "mập mờ" nào đó trong việc thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho người dân tham gia các Dự án trồng rừng tại Yên Thế? và những quyền lợi cũng như chính sách xóa đói giảm nghèo cho những người dân trực tiếp bám rừng, sống với rừng bao giờ mới được giải quyết thỏa đáng?
 
Báo Tài nguyên & Môi trường Kính đề nghị Bộ NN&PTNT vào cuộc kiểm tra làm rõ để người dân được đảm bảo quyền lợi theo chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. 
 
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
 
 
Doãn Hưng - Vi Hải
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang: Hàng loạt sai phạm về quản lý, sử dụng đất rừng tại Yên Thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO