Bắc Giang: Hàng loạt sai phạm về hoạt động khai thác khoáng sản

15/07/2018 19:28

(TN&MT) - Rất nhiều sai phạm, tồn tại trong hoạt động khai thác khoáng sản tại tỉnh Bắc Giang vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra trong Kết luận số...

(TN&MT) - Rất nhiều sai phạm, tồn tại trong hoạt động khai thác khoáng sản tại tỉnh Bắc Giang vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra trong Kết luận số 2650/KL-BTNMT.

Theo Kết luận số 2650/KL-BTNMT ngày 24/05/2018, Đoàn Thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra công tác lập quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản tại tỉnh Bắc Giang; Trình tự thủ tục cấp phép 44/152 hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản có hiệu lực; kiểm tra tại 24 tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản; kiểm tra 07 tổ chức sản xuất gạch tuynel và lò vòng. Sau khi kiểm tra, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu ra hàng loạt những sai phạm.

Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Giang chưa hoàn thành việc khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định tại Khoản 5 Điều 28 Luật Khoáng sản 2010; Chưa lập và ban hành quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 10 Luật Khoáng sản năm 2010.

Qua kiểm tra 11 tổ chức, hộ kinh doanh bãi ven sông chứa cát, sỏi cho thấy, UBND tỉnh Bắc Giang chưa chỉ đạo các Sở, Ngành, UBND cấp huyện tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các tổ chức, hộ gia đình chấp hành theo Quy định số 194/QĐ-UBND ngày 16/03/2013 của UBND tỉnh nên để xảy ra nhiều sai phạm trong thời gian dài mà không được khắc phục, cụ thể như sau: Xây dựng bến, bãi tập trung chuyển vật liệu xây dựng không có giấy phép xây dựng; lấn chiếm đất đai, hành lang bảo vệ đê; kinh doanh cát, sỏi không rõ nguồn gốc, không có chứng từ, hóa đơn mua bán, là đầu mối tiêu thụ cho các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang còn ban hành 25/44 quyết định cấp phép khai thác, gia hạn khai thác khoáng sản chưa đúng theo mẫu quy định tại Thông tư số 01/2006/TT-BTNMT ngày 23/01/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đồng thời ban hành 19/44 giấy phép khai thác khoáng sản chưa theo đúng mẫu quy định tại Thông tư 16/2012/TT-BTNMT ngày 19/11/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cụ thể: Phần căn cứ phê duyệt báo cáo kết quả thăm dò khoảng sản, căn cứ giấy phép thăm dò khoáng sản, quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường… Thẩm quyền ký giấy phép là thẩm quyền chung của UBND tỉnh, không phải thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND tỉnh.
 Hàng loạt sai phạm về hoạt động khai thác khoáng sản tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh minh họa.
 Hàng loạt sai phạm về hoạt động khai thác khoáng sản tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh minh họa.
Điển hình cho sai phạm trên là: Giấy phép khai thác cát sỏi số 403/QĐ-UBND ngày 15/09/2015 cấp cho Công ty TNHH Đại Hoàng Dương, địa chỉ mỏ tại bãi soi Hương Ninh, thông Hương Ninh, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa. Giấy phép khai thác cát, sỏi số 209/QĐ-UBND ngày 13/04/2016 cấp cho Công ty TNHH Nhật Quang, địa chỉ mỏ tại bãi soi Họ, thôn Vạn Thạch và bãi soi Lập, thôn Lạc Yên 2, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa. Giấy phép khai thác cát, sỏi 339/QĐ-UBND ngày 15/06/2016 của Công ty cổ phần đầu tư Đức Long, địa chỉ mỏ là bãi soi Liễu Ngạn và bãi soi Chùa, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa. Giấy phép khai thác cát, sỏi 719/QĐ-UBND ngày 09/12/2015 cấp cho Công ty TNHH MTV Chiến Yến, địa chỉ mỏ tại bãi soi Xuân Biều, thôn Xuân Giang, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Giang còn ban hành 19/44 giấy phép khai thác khoáng sản không có phụ lục số 03; 04; không thể hiện đăng ký nhà nước khu vực khai thác khoáng sản trực tiếp vào phía dưới của Giấy phép mà làm bằng văn bản riêng tách rời giấy phép hoặc không có là không đúng quy định tại Mẫu số 20 Thông tư số 16/2012/TT-BTNMT ngày 29/11/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Giang cũng chưa có biện pháp xử lý, chế tài đối với Công ty Cổ phần khai thác và Chế biến khoáng sản Bắc Giang hoạt động khai thác khoáng sản có nhiều vi phạm các quy định tại Khoản 2 Điều 55 Luật Khoáng sản năm 2010 diễn ra trong nhiều năm.

Thanh tra Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng chỉ ra hàng loạt những tổ chức đã vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Kết luận nêu rõ, có 06/24 tổ chức khai thác không đúng với thiết kế mỏ đã được phê duyệt; 12/24 tổ chức khai thác không lập báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản; 13/24 tổ chức khai thác khoáng sản không lập báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng khai thác mỏ hoặc có lập nhưng thông tin, số liệu sai với quy định về tiêu chuẩn, trình độ chuyện môn.

Bên cạnh đó, có 02/24 tổ chức khai thác khoáng sản chưa ký hợp đồng thuê đất; 12/24 tổ chức khai thác khoáng sản chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hoặc có nộp nhưng chưa đúng quy đinh; 06 tổ chức khai thác khoáng sản chưa thực hiện việc giám sát môi trường theo quy định; 10/24 tổ chức khai thác khoáng sản chưa ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường hoặc đã ký nhưng chưa đúng quy đinh.

Về những sai phạm của các tổ chức sản xuất gạch tuynel, gạch lò vòng, Kết luận cũng chỉ ra nhiều tồn tại và sai phạm như: 08 tổ chức không có mỏ đất sét để làm nguyên liệu phục vụ nhà máy gạch; 08 tổ chức tự thu mua nguyên liệu đất sét ở bên ngoài hoặc xin tận thu nạo vét hồ thủy lợi, hồ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đưa về nhà máy sản xuất gạch.

Điển hình cho những vi phạm trên là: Nhà máy gạch tuynel Hà Nội của Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Hà Nội (MIKADO), địa chỉ tại thôn Trung Thành, xã Hùng Sơn, huyện Hiệp Hòa; Nhà máy gạch Tuynel Hiệp Hòa của Công ty cổ phần gốm xây dựng Hiệp Hòa, địa chỉ thôn Gò Pháo, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang: Hàng loạt sai phạm về hoạt động khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO