Theo kết quả khảo khảo sát tình hình xử lý chất thải y tế các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh của Thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thì hiện nay, công tác xử lý môi trường của các cơ sở y tế công lập đang tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, tính đến nay, toàn tỉnh chỉ có 01/18 cơ sở y tế hoàn thành đề án bảo vệ môi trường đó là Bệnh viện Lê Lợi; có 02/18 cơ sở y tế có giấy phép xả nước thải vào nguồn thoát nước.
Bên cạnh đó, việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế còn nhiều hạn chế. Hầu hết lò đốt chất thải rắn y tế ở các cơ sở y tế công lập được trang bị đến nay đã hư hỏng, xuồng cấp, không còn hoạt động hoặc có hoạt động nhưng không đạt tiêu chuẩn về môi trường theo quy định.
Hiện nay, trong tổng số 13 lò đốt được đầu tư, chỉ còn 03 lò đang còn hoạt động. Vì vậy, việc thu gom, xử lý chất thải của một số cơ sở y tế công lập đã được giao cho các đơn vị tư nhân thu gom, chuyển về Bệnh viện Bà Rịa để xử lý, tuy nhiên lò đốt rác của Bệnh viện Bà Rịa cũng đang bị hư hỏng, xử lý không đạt yêu cầu, quá tải so với công suất thiết kế.
Theo Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện toàn tỉnh chỉ còn 03 lò đốt chất thải y tế đang còn hoạt động (Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Lê Lợi, Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc), tuy nhiên do sử dụng nhiều năm nên các lò đốt đã xuống cấp và hiện đang quá tải, khí thải chưa đáp ứng được quy chuẩn môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh, dẫn đến nguy cơ chất thải y tế sẽ bị tồn đọng nhiều trong thời gian sắp tới.
Để kịp thời thu gom và xử lý triệt để lượng phát sinh chất thải y tế hàng ngày, Sở TN&MT đề xuất UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép thực hiện 02 giải pháp. Theo đó, đối với giải pháp trước mắt là tạm thời giao cho đơn vị xử lý chất thải nguy hại đã được Bộ TN&MT cấp phép (Công ty TNHH Môi trường Quý Tiến) tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh về nhà máy để xử lý. Quy trình thực hiện: chất thải y tế sẽ được thực hiện thu gom tập kết về 04 khu vực lưu giữ, trung chuyển gồm Bệnh viện Bà Rịa, Trung tâm Y tế thành phố Vũng Tàu, Trung tâm Y tế huyện Châu Đức, Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc.
Sau đó, vận chuyển về xử lý tại nhà máy xử lý chất thải nguy hại trong Khu xử lý tập trung Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ. Phương tiện vận chuyển là loại xe có thùng kín, xe bảo ôn chuyên dụng hoặc các loại xe được Bộ TN&MT cấp phép, chấp thuận bằng văn bản; yêu cầu chất thải y tế nguy hại phải được ưu tiên xử lý trong ngày; quy trình xử lý theo đúng giấy phép, bằng phương pháp lò đốt áp dụng công nghệ lò đốt hai cấp (sơ cấp và thứ cấp), đảm bảo tiêu hủy hoàn toàn các chất thải độc hại, lây nhiễm, khí thải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Về giải pháp lâu dài, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thực hiện mô hình xử lý chất thải y tế tập trung bằng công nghệ đốt áp suất âm không khói. Theo đó, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các ngành liên quan, yêu cầu Công ty CP Sara Vũng Tàu và Công ty CP Sara Việt Nam đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Khu xử lý tập trung rác thải y tế bằng công nghệ đốt áp suất âm - không khói tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ theo tiến độ đã cam kết tại Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư số 343/QĐ-UBND ngày 19/2/2019, với quy mô công suất xử lý 05 tấn/ngày (giai đoạn 1) đưa vào sử dụng từ quý 4/2019; công suất xử lý 10 tấn/ngày (giai đoạn 2) chính thức hoạt động vào Quý IV/2022.
Mới đây, tại buổi làm việc với Sở TN&MT về Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đánh giá cao cả 02 giải pháp xử lý chất thải y tế nêu trên. Ông Tuấn cho rằng, việc xử lý chất thải y tế với tình hình hiện nay là rất cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, để công tác thực hiện mang hiệu quả cao, đề nghị Sở TN&MT tiếp tục rà soát và ghi nhận các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa hoàn thiện Kế hoạch trước khi trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xem xét ban hành cơ sở tổ chức triển khai.