Đẩy nhanh việc hoàn thành hạ tầng khu chế biến hải sản tập trung để sớm di dời các cơ sở chế biến nằm trong khu dân cư |
Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thuộc khu vực Đông Nam Bộ, là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, du lịch, dầu khí, cảng biển, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản,... Tuy nhiên, đi kèm theo với sự phát triển của kinh tế - xã hội nhanh chóng kéo theo những vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó đã xuất hiện một số khu vực có dấu hiệu ô nhiễm môi trường không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, cụ thể từ hoạt động sản xuất bột cá, hoạt động của các nhà máy luyện phôi thép, ô nhiễm từ các nhà máy xử lý chất thải, bụi từ quá trình khai thác, vận chuyển khoáng sản…
Theo đó, trong thời gian qua, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, cải thiện, khắc phục ô nhiễm và tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường, với mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ môi trường, đồng thời chú trọng đến công tác đầu tư hạ tầng để bảo vệ môi trường.
Cụ thể, đối với công tác xử lý nước thải, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn triển khai một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án xử lý nước thải tập trung.
Cụ thể, chỉ lựa chọn công nghệ xử lý nước thải đô thị đảm bảo hiện đại, hạn chế phát sinh mùi hôi tối đa, diện tích sử dụng đất và chi phí vận hành hợp lý. Áp dụng giải pháp xây dựng kín đối với các nhà máy xử lý nước thải tập trung, kết hợp rà soát lại quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thành phố cũng như các khu đất đã được giải tỏa cho các dự án nhà máy tập trung để tận dụng tối ưu diện tích đất khi áp dụng công nghệ mới, đáp ứng các tiêu chí như đã nêu trên.
Mặt khác, điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố trên cơ sở kết hợp các lưu vực thoát nước, tận dụng tối đa những mặt bằng đã được giải tỏa và phù hợp với mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Tính đến nay, tỉnh đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng Dự án thu gom và xử lý nước thải đô thị giai đoạn I của thành phố Vũng Tàu và Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 (thị xã phú Mỹ); Hệ thống xử lý nước thải tại Trung tâm y tế Thành phố Vũng tàu; Cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý nước thải Trung tâm y tế dự phòng và Trung tâm y tế Thành phố Bà Rịa; các dự án xử lý chất thải rắn tại Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ), Láng Dài (Châu Đức) và huyện Côn Đảo…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 07 dự án thu gom và xử lý nước thải đô thị với tổng công suất 144.000 m3/ngày.đêm; 19 dự án xử lý chất thải do doanh nghiệp đầu tư với tổng công suất 6.700 tấn/ngày, trong đó rác thải sinh hoạt 07 dự án, rác thải nguy hại 06, rác thải công nghiệp 05 dự án, rác thải y tế 01 dự án…
Chất lượng môi trường trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu luôn được kiểm soát chặt chẽ và mang lại hiệu quả cao |
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát chất lượng môi trường, UBND tỉnh cũng đã bố trí nguồn vốn để mở rộng, phủ kín mạng lưới quan trắc tự động khí thải, nước thải trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hiện tại, tỉnh đã đầu tư được 06 trạm quan trắc tự động nước mặt tại các hồ Đá Đen, hồ Sông Ray, hồ Sông Hỏa, hồ Châu pha, hồ Quang Trung, suối liên hiệp giao với suối chà rang thuộc khu du lịch Green farm...; đầu tư 03 trạm quan trắc tự động không khí tại khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, khu vòng xoay đài phun nước TP. Bà Rịa; ngã tư giếng nước TP. Vũng Tàu; trang thiết bị máy móc phòng thí nghiệm, thiết bị phòng quan trắc và thiết bị phục vụ tiếp nhận giám sát hệ thống quan trắc tự động.…
Đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đặt tại Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường của Sở TN&MT để tiếp nhận dữ liệu quan trắc nước thải tự động và khí thải nhằm cảnh báo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chế biến hải ở khu dân cư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nhanh chóng hoàn thiện khu chế biến hải sản tập trung để sớm di dời các cơ sở chế biến hải sản có phát sinh nước thải, khí thải gây ảnh hưởng tới môi trường, nhằm hướng tới môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Theo đó, đến nay hạ tầng 02 khu chế biến tập trung tại xã Lộc An - huyện Đất Đỏ và xã Bình Châu - huyện Xuyên Mộc đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng công tác di dời các cơ sở chế biến hải sản; hoàn thành hạ tầng kỹ thuật các khu tiểu thủ công nghiệp tại Long Phước và Hòa Long, thành phố Bà Rịa phục vụ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Đồng thời, đang nghiên cứu đầu tư thêm đầu tư thêm Khu chế biến hải sản tập trung tại huyện Long Điền.