Nhiều sai phạm trong khai thác khoáng sản
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2018, đoàn Kiểm tra liên ngành của tỉnh và UBND các địa phương đã tiến hành trên 170 buổi kiểm tra, phát hiện 37 trường hợp khai thác khoáng sản không phép, thu giữ 02 phương tiện khai thác (máy hút cát) và tịch thu trên 70m³ cát; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 730 triệu đồng.
Trong đó, Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức 06 đợt kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, phát hiện 05 khu vực thường xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép như ở địa bàn huyện TX.Phú Mỹ - TP.Bà Rịa, huyện Đất Đỏ và huyện Châu Đức. Qua đó, Sở TN&MT đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương kiểm tra xác minh làm rõ và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Đối với công tác quản lý mỏ khai thác theo giấy phép, trong năm 2015 và 2016, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không tiến hành kiểm tra định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản đối với các mỏ được cấp giấy phép để tránh trùng lắp do đã có đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng thực hiện công tác kiểm tra. Nhưng từ năm 2017, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ trì tổ chức kiểm tra và phối hợp với đoàn Kiểm tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức kiểm tra các mỏ khai thác.
Kết quả cho thấy, các vi phạm của doanh nghiệp chủ yếu như: bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng còn thiếu một số nội dung thông tin về địa chất khoáng sản; khai thác chưa đúng trình tự theo thiết kế đã phê duyệt, thông số khai thác ở một số vị trí moong chưa đảm bảo chính xác về góc nghiêng sườn tầng, chiều cao tầng khai thác, bề rộng mặt tầng bảo vệ; mốc ranh giới khu vực khai thác chưa phù hợp quy cách với quy định tại khoàn 2 điều 20 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ và theo Thông tư 48/2014/TT-BTNMT ngày 22/8/2014 của Bộ TN&MT…
Qua kết quả kiểm tra, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở doanh nghiệp khắc phục các tồn tại. Mới đây, Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 trường hợp do bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng không đầy đủ thông tin số liệu với số tiền là 15 triệu đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có văn bản yêu cầu 02 trường hợp khai thác khoáng sản vượt độ sâu phải khắc phục bằng cách san lấp trả lại mặt bằng. Cụ thể, là mỏ đá xây dựng lô 3+4 của Công ty Cổ phần Thành Chí khai thác vượt độ sâu 1 - 2m; mỏ đá xây dựng núi Ông Trịnh của Công ty Cổ phần Phước Hòa Fico khai thác vượt độ sâu 5 - 8m.
Tăng cường công tác quản lý
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực và tăng cường sự phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản. Đồng thời tham mưu việc điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cụ thể, UNBD tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo sở TN&MT phối hợp với đơn vị tư vấn, cơ quan liên quan thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 -2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, nghiên cứu các giải pháp về chủ trương quản lý khoáng sản là vật liệu san lấp, cát xây dựng, đá xây dựng chỉ cung cấp trong tỉnh. Dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2018.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có văn bản quy định rõ ràng, đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Trong đó, tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nghĩa vụ trong khai thác khoáng sản đối với nhà nước, với môi trường, cơ sở hạ tầng và phục hồi môi trường mỏ sau khai thác. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành việc hỗ trợ địa phương và người dân tại địa bàn có khoáng sản được khai thác.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện hồi giấy phép khai thác và yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường ở những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, mất trật tư an ninh; thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc đóng cửa mỏ; thực hiện nghiêm thời hạn, quy mô khai thác phù hợp để sau khi đóng cửa mỏ có thể phục hồi môi trường, tiết kiệm quỹ đất và phát huy được công năng khu đất tại khu vực mỏ sau khi khai thác…