Bà Rịa – Vũng Tàu: "Nóng" vấn đề ô nhiễm do hoạt động chăn nuôi

09/12/2017 00:00

(TN&MT) – Tại phiên chất vấn và trả lời  tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh BR – VT (diễn ra từ 7 -9/12), vấn đề ô nhiễm môi trường của các cơ sở chăn...

 

(TN&MT) – Tại phiên chất vấn và trả lời  tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh BR – VT (diễn ra từ 7 -9/12), vấn đề ô nhiễm môi trường của các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh  lại được các đại biểu đặt ra đối với lãnh đạo Sở TN&MT.

Đại biểu Bùi Chí Tình cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường do các trại chăn nuôi heo là một trong những điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua, vậy tại sao đến giờ vẫn chưa được khắc phục?

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Theo số liệu thống kê  của các địa phương trong tháng 3/2017, tỉnh có  669 cơ sở nuôi heo  có quy mô từ 50 cơn trở lên, chủ yếu tập trung ở huyện Châu Đức với 525 cơ sở.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rại - Vũng Tàu trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh

Tháng 8/2017, UBND tỉnh đã ban hành 31quyết định kết luận kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật  về tài  nguyên nước và bảo vệ môi trường đối với các trặn chăn nuôi heo thuộc thẩm quyền  quản lý cấp tỉnh . Kết quả, có 4 trại không nằm trong quy hoạch, 20 trại đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ có 2 trại đăng ký đề nghị cấp giấy phép xả thải nhưng chỉ có 1 trại đủ điều kiện được cấp phép; 50% chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước ngầm…

Ông Lê Ngọc Linh cho rằng. hầu hết các trại chăn nuôi đều tồn tại trước  khi UBND tỉnh  ban hành Quy hoạch chăn nuôi theo Quyết định số 258/QĐ – UBND ngày 25/01/2010.

Các cơ sở chăn nuôi  chưa thực hiện các thủ tục pháp lý đa số thuộc hộ kinh doanh cá thể, từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình tự phát triển dần lên trang trại và đưa vào hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư nên chưa  có cơ sở  để thẩm định, phê duyệt thủ tục môi trường và tài nguyên nước theo quy định.

Nhận thức, ý thức tránh nhiệm về BVMT và tài nguyên nước của các cơ sở sản xuất, nhất là cơ sở quy mô hộ gia đình còn hạn chế, mặc dù đã được kiểm tra, nhắc nhở thực hiện  các thủ tục theo quy định.

Đồng thời, trong nhiều năm qua một số địa phương chưa quan tâm ngăn chặn các  cơ sở sản xuất xây dựng trái phép, không phép, dẫn đến khu đưa vào hoạt động chưa có các thủ tục  theo quy định. Việc thanh tra và xử lý các trại chăn nuôi thuộc thẩm quyền quản lý  cấp tỉnh của ngành TN&MT chưa kịp thời, không quyết liệt dẫn đến tình trạng ô nhiễm  trong hoạt động chăn nuôi heo không được xử lý quyết liệt.

Trước ý kiến của một số đại biểu cho rằng một số trại chăn nuôi heo xả thải ảnh hưởng trực tiếp đến  các hồ chứa nước  lớn của tỉnh như: hồ Châu Pha( huyện Tân Thành), hồ Sông Ray ( huyện Châu Đức và Xuyên Mộc), hồ Đá Đen ( huyện Châu Đức), hồ Sông Hỏa ( huyện Xuyên Mộc).

Ông Lê Ngọc Linh cho biết: hiện nay hầu hết các trại nuôi heo đều tận dụng nước thải chăn nuôi để tưới cây trong khuôn viên trại và cho các hộ dân xung quanh bơm tưới cho cây trồng xung quanh trại. Theo Quy chẩn Quốc gia QCVN 01 – 14: 2010/BNNPTNT quy định các điều kiện về an toàn  sinh học đối với trang trại  chăn nuôi thì vị trí và khoảng cách của đa số các trại so với nguồn nước mặt vẫn đảm bảo khoảng cách an toàn.

Một số trại chăn nuôi thải trực tiếp nước thải ra hồ nước sinh hoạt Đá Đen, gây bức xúc dư luận
Một số trại chăn nuôi thải trực tiếp nước thải ra hồ nước sinh hoạt Đá Đen, gây bức xúc dư luận

Tuy nhiên, vẫn có một số trại  xả thải một phần  vào các suối chảy về các hồ chứa nước.Trong đó, 4 trại chăn nuôi: Quang Anh 1, Đặng Thị Yến, Nhất Tiến Phát và Ngọc Hân Hòa Bình ( huyện Xuyên Mộc) một phần nước thải được dẫn qua suối rồi đổ về hồ Sông Hỏa; trại chăn nuôi Đông Á ( huyện Tân Thành)  một phần nước thải được dẫn về hồ Châu Pha;  3 trại chăn nuôi:  Kim Cương Phú, Nam Trung Sơ, Nhân Hòa ( huyện Xuyên Mộc), một phần nước thải cũng được xả ra hệ thống suối rồi chảy về hồ sông Kinh.

Về các giải pháp khắc phục các kết luận kiểm tra của UBND tỉnh, ông Lê Ngọc Linh cho biết, có 06 trại nuôi heo đã thực hiện cải tạo, nâng cấp các công trình BVMT, gồm:  Nguyễn Trí Hiếu,  Đặng Thị Yến,  Thanh Nhân Duy, Nhân Hòa , Thiên Phúc và Minh Nghĩa; có 5  trại đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác  nước ngầm; 4 trại nộp hồ sơ  đề nghị cấp giấy phép xả thải…

Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Linh cho biết: Trong tháng 12/2017, Sở TN&MT sẽ tổ chức  tái kiểm tra việc khắc phục  các hành vi  vi phạm của 31 trại heo, từ đó đánh giá kết quả thực hiện các yêu cầu, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư  xác định các trại  nuôi heo khác được phép tồn tại, phù hợp với quy hoạch và hướng dẫn  thực hiện các  thủ tục về môi trường và tài nguyên nước.

Đồng thời, khẩn trương triển khai hoàn thành 3 trạm quan trắc  tự động nước mặt các hồ cấp nước sinh hoạt ( Đá Đen, sông Ray, sông Hỏa) để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nguồn nước…

Linh Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa – Vũng Tàu: "Nóng" vấn đề ô nhiễm do hoạt động chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO