Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều khu vực nông thôn chưa được sử dụng nước sạch

21/03/2017 00:00

(TN&MT) -  Bà Rịa – Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2020, 90% cư dân nông thôn được dùng nước sạch hợp vệ sinh; 95% số hộ nông dân chăn nuôi gia súc có...

 

(TN&MT) -  Bà Rịa – Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2020, 90% cư dân nông thôn được dùng nước sạch hợp vệ sinh; 95% số hộ nông dân chăn nuôi gia súc có chuồng trại hợp vệ sinh; giảm thiểu ô nhiễm môi trường các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm…

Nguồn nước nhiều nơi bị ô nhiễm

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thời gian qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch tập trung và nhỏ lẻ thay thế các loại hình cung cấp nước không phù hợp, bể lọc cát loại bỏ cất asen, nhà tiêu hợp vệ sinh, mô hình thu gom rác thải, xử lý nước thải tại các làng nghề, các trang trại chăn nuôi…ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Điều này giúp cho tỷ lệ dân cư nông thôn được trong tỉnh được sử dụng nước sạch ngày càng cao hơn.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến nay đã có 99,8% số dân nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó chỉ có 74% số dân của 39 xã thuộc khu vực nông thôn được Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường cấp nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế (nước máy). Ở các xã vùng sâu, xa như Bình Châu, Bông Trang, Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) nguồn nước phân bổ chưa đều, tình trạng thiếu nước cục bộ vẫn thường xuyên xảy ra…

Để đáp ứng đủ nhu cầu về nước sạch đạt tiêu chuẩn Quốc gia cho tất cả các nhà trẻ, trường học và các cơ sở giáo dục khác, các bệnh viện trạm xá, công sở, chợ nông thôn; các cơ sở sản xuất chế biến, các đơn vị kinh doanh dịch vụ đóng trên địa bàn nông thôn, cũng như để đạt được mục tiêu đến năm 2020 số hộ dân được sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ cao hơn (90%), hiện nay Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đang đầu tư xây dựng thêm 3 nhà máy nước Sông Hỏa, Sông Ray, Đá Bạc. Bên cạnh đó, Trung tâm đang triển khai thực hiện bộ chỉ số theo dõi và đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại 8 huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Qua đó tiến hành thực hiện quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đưa nông dân vùng nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiến nhanh trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Gần 10 tấn phân gà phơi ngoài trời, nước chảy lênh láng, gây nên mùi hôi thối ở trang trại Mai Thùy xã Đá Bạc, huyện Châu Đức.  Ảnh: Minh Tâm
Gần 10 tấn phân gà phơi ngoài trời, nước chảy lênh láng, gây nên mùi hôi thối ở trang trại Mai Thùy xã Đá Bạc, huyện Châu Đức. Ảnh: Minh Tâm

Tuy nhiên, ở một số địa phương khu vực nông thôn trong tỉnh hiện nay, vấn đề vệ sinh môi trường vẫn đang khá bức xúc. Cụ thể tại huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Tân Thành nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi không qua xử lý xả thẳng xuống ao, hồ làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các khu dân cư. Điều đáng nói là việc chăn nuôi gia súc, gia cầm lại xen kẽ ở các khu dân cư, chất thải chưa được xử lý triệt để nên môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho người và vật nuôi. Ngoài ra, ở huyện Long Điền, Tân Thành …nhiều cơ sở gia công, chế biến hải sản chưa có hệ thống xử lý nước thải, hầu hết xả ra môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước tại các khu vực sông (sông Cửa Lấp, sông Chà Và…), gây bức xúc đối với người dân.

Nâng cao chất lượng nước sạch

Theo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Ở Bà Rịa – Vũng Tàu trong những năm qua, chăn nuôi gia súc khá phát triển với nuôi nhỏ lẻ gia đình, nuôi gia trại và trang trại. Khi mức độ chăn nuôi tăng dần, việc xử lý tránh ô nhiễm môi trường đang được người chăn nuôi quan tâm. Chính vì vậy từ hơn 8 năm qua, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều chương trình dự án, khai thác khí sinh học từ chất thải như: Chương trình khí sinh học ngành chăn nuôi. Ngoài ra các địa phương cũng hỗ trợ người các hộ chăn nuôi kỹ thuật xây lắp các hố ga, tạo các hồ lắng, lọc. Tại một số địa phương có các hộ gia công, chế biến hải sản tỉnh đã cho triển khai các mô hình, dự án xử lý nước thải, khí thải nhằm ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản xuất và đời sống của người dân. Tuy nhiên, hiện nay các vùng nông thôn trong tỉnh vẫn chỉ sử dụng mô hình xử lý nước thải đơn giản là cho chảy qua hệ thống bể, hồ điều hòa…Bởi nếu lắp đặt máy móc, thiết bị xử lý cần có nguồn kinh phí ban đầu rất cao, sau đó là kinh phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng…

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng theo định hướng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trọng giai đoạn 2016 – 2020 tỉnh luôn chủ động phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa gắn liền với bảo vệ môi trường, ngăn chặn cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, phục hồi suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường; chủ động nghiên cứu xây dựng và lựa chọn các giải pháp xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường hướng tới sự phát tiển bền vững. Theo đó, đối với các địa phương có số lượng hộ dân chăn nuôi cao (Xuyên Mộc, Châu Đức, Tân Thành), tiếp tục rà soát hiện trạng và thực hiện quy hoạch phù hợp với thực tế, di dời các cơ sở chăn nuôi không đúng quy định theo quy hoạch, tách các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư, đảm bảo việc chăn nuôi không gây o nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hồ cấp nước của tỉnh; Đối với các địa phương có nhiều hộ gia công, sơ chế, chế biến hải sản (Long Điền) tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những hộ, cơ sở kinh doanh không đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Tiếp tục giám sát chặt chẽ để chờ di dời toàn bộ các cơ sở gia công, chế biến hải sản vào khu tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cũng như để phục hồi suy thoái nguồn nước mặt tại các sông…

Linh Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều khu vực nông thôn chưa được sử dụng nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO