Bà Rịa – Vũng Tàu: Mạnh tay xử lý khai thác khoáng sản trái phép

13/05/2017 00:00

(TN&MT) - Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị các địa phương, các đơn vị chức năng như Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh… phối hợp tốt với...

 

(TN&MT) - Hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) trái phép diễn ra từ hàng chục năm qua, làm thất thoát tài nguyên, phá vỡ môi trường cảnh quan nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Mặc dù, các cơ quan chức năng và địa phương đã tổ chức kiểm tra thường xuyên nhưng chưa hiệu quả. Hiện các ngành chức năng, địa phương đang đưa ra nhiều giải pháp để xử lý quyết liệt hơn các trường hợp KTKS trái phép.

MỖI NĂM HƠN 200 VỤ VI PHẠM

Theo tổng hợp của Sở TN-MT, mỗi năm trên địa bàn tỉnh diễn ra khoảng hơn 200 trường hợp vi phạm về KTKS. Riêng trong quý 1-2017, các ngành chức năng và địa phương đã triển khai khoảng 140 buổi kiểm tra phát hiện 29 trường hợp KTKS trái phép, tịch thu 9 máy bơm hút cát, 7 máy đào và khoảng 195m3 khối cát; tạm giữ 1 máy đào, đang xử lý 7 trường hợp; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.

Ông Trần Xuân Hà, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên – Khoáng sản (Sở TN-MT), do công tác quản lý TNKS chưa được chính quyền địa phương cấp xã quan tâm đúng mức nên xảy ra KTKS trái phép ở nhiều khu vực. Trong đó có các “điểm nóng” về KTKS trái phép là huyện Tân Thành, huyện Xuyên Mộc. Đầu năm 2017, huyện Châu Đức cũng liên tục xảy ra các vụ khai thác đất trái phép. Một số địa phương, tình trạng KTKS tồn tại dai dẳng, lặp đi lặp lại nhiều lần như ở Tóc Tiên, Châu Pha (Huyện Tân Thành); Láng Ướt – Phước Tân (huyện Xuyên Mộc); Bàu Chinh (huyện Châu Đức)… Ông Trần Xuân Hà cho biết thêm hiện nay trên địa bàn tỉnh có 11 giấy phép khai thác cát xây dựng, VLSL đang có hiệu lực với trữ lượng được phép khai thác 6.762.000 m3, trong đó có 4 DN chưa đi vào hoạt động do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thuê đất. “Với trữ lượng khai thác như hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 40% cho nhu cầu sử dụng VLXD và vật liệu san lấp (VLSL) trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2020. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho hoạt động KTKS trái phép diễn biến phức tạp. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là do lợi nhuận từ hoạt động KTKS trái phép quá lớn khiến các đối tượng bất chấp KTKS trái phép để thu lợi”, ông Hà phân tích.

Còn theo báo cáo của huyện Tân Thành, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng huyện Tân Thành kiểm tra phát hiện và bắt 8 trường hợp KTKS trái phép. Trong đó, UBND huyện đã ra quyết định xử phạt 5 trường hợp, đang trình UBND tỉnh xử phạt 2 trường hợp và 1 trường hợp đang được cơ quan công an tiến hành điều tra. Bà Ngô Thị Hồng Bích, Trưởng Phòng TN-MT huyện Tân Thành, cho biết, mặc dù lực lượng chức năng của huyện cũng như các xã đã tăng cường kiểm tra, cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm, song tình trạng KTKS trái phép trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường tổ chức khai thác, vận chuyển cát vào các ngày nghỉ và ban đêm, bố trí “vệ tinh” theo dõi, cảnh giới nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện, xử lý. Khó khăn nhất hiện nay là chế tài đối với hành vi KTKS trái phép chưa đủ sức răn đe, trong khi đó lợi nhuận từ hoạt động KTKS trái phép lại rất lớn. Bên cạnh đó, hiện các KCN trên địa bàn huyện Tân Thành đặc biệt là Phú Mỹ 3 đang cần một lượng VLSL rất lớn nhưng khối lượng VLSL được phép khai thác lại không đủ đáp ứng.

Còn tại huyện Xuyên Mộc, ông Nguyễn Quốc Nhật, Tổ trưởng Tổ khoáng sản, Phòng TN-MT huyện Xuyên Mộc cho biết, do đường vào các điểm KTKS trái phép khá hiểm trở và giáp ranh với địa phương khác nên công tác kiểm tra xử lý vi phạm rất khó khăn.

Tháng 10-2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định 30/2016/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh BR-VT giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn này, tỉnh BR-VT quy hoạch 50 điểm mỏ với tổng diện tích 1.326,27ha phân bố tại 7 huyện, thành phố (riêng TP. Vũng Tàu không quy hoạch khai thác khoáng sản). Trong đó, có 25 mỏ đá xây dựng, 4 mỏ sét gạch ngói, 8 mỏ cát xây dựng, 12 mỏ vật liệu san lấp và 1 mỏ khai thác than bùn. Các điểm mỏ tập trung nhiều nhất trên địa bàn huyện Tân Thành với 26 điểm KTKS.

CẦN CÓ GIẢI PHÁP LÂU DÀI VÀ BỀN VỮNG

Theo Sở TN-MT, ngày 15-7-2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh BR-VT. Chỉ thị này nêu rõ, UBND huyện, thành phố là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn quản lý; coi kết quả thực hiện công tác bảo vệ TNKS là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp huyện và chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT về mọi hoạt động KTKS trái phép trên địa bàn quản lý. Nhưng hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: Chưa kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản thực tế và tổn thất khoáng sản trong khai thác; một số khu vực KTKS tác động xấu đến môi trường sinh sống của người dân và cảnh quan nhưng chưa được khắc phục triệt để. Tại một số địa bàn, chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND cấp xã thiếu quan tâm đến công tác bảo vệ TNKS, thậm chí buông lỏng quản lý KTKS. Tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác cát nhiễm mặn ở lòng sông, cửa sông, ven biển vẫn diễn ra, gây nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển, đe dọa đến an toàn của đường ống dẫn khí và các công trình trọng điểm khác, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ông Đặng Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết thêm, để đấu tranh với hoạt động KTKS trái phép huyện đã thành lập 3 tổ kiểm tra khoáng sản trong đó có tổ do Chủ tịch huyện làm trưởng đoàn có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tất cả mọi hoạt động liên quan đến việc khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn xã, thị trấn. Ông Minh cũng cho rằng, hiện nay nhu cầu về VLXD phục vụ cho các công trình xây dựng trên địa bàn là rất lớn. Trong khi đó, diện tích, khu vực được cấp phép khai thác không đủ để đáp ứng, nên dẫn đến tình trạng khai thác không phép. Do đó, tỉnh nên tạo cơ chế cấp phép KTKS thông thoáng cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện nhằm giải quyết nhu cầu về VLXD cho các công trình xây dựng trên địa bàn. Đối với việc đào ao, san gạt mặt bằng để phục vụ sản xuất nông nghiệp có phát sinh khối lượng VLSL, đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy định về việc tận dụng nguồn VLSL trong trường hợp trên, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp và thuận lợi cho việc quản lý TNKS tại địa phương.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh BR-VT, cho biết, KTKS là hoạt động khai thác tài nguyên không tái tạo, do đó, nếu thực hiện nghiêm túc quy định thì vẫn ảnh hưởng đến môi trường. Trong bối cảnh là nước đang phát triển, yêu cầu phải có VLXD, VLSL… buộc phải chấp nhận điều này. Tuy nhiên, nếu các cá nhân, đơn vị, DN ý thức, chấp hành tốt quy định của Luật Khoáng sản thì việc ảnh hưởng đến môi trường sẽ được hạn chế tối đa. Thời gian tới để quản lý hoạt động KTKS trái phép, Sở TN-MT đề nghị các địa phương, các đơn vị chức năng như Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh… phối hợp tốt với Sở TN-MT để thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, theo ông Linh, tăng cường kiểm tra, giám sát nhưng cũng phải đổi mới phương pháp làm việc của đoàn liên ngành để xử lý vi phạm hiệu quả và quyết liệt hơn nữa.

                                                    

Thiếu tá Phạm Quốc Thái, Phó Đội phòng chống tội phạm trong lĩnh vực môi trường, lĩnh vực TNKS, đa dạng sinh học, nông nghiệp nông thôn và làng nghề (Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường PC49 -Công an tỉnh BR-VT) cho biết, khi nhận được tin báo về tình trạng khai thác cát trái phép lực lượng công an tiến hành xác minh và bố trí lực lượng theo dõi để bắt quả tang. Tuy nhiên, địa bàn rộng các đối tượng hoạt động trong đêm nên gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ. Hơn nữa, thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép không khai thác dồn dập mà khai thác theo kiểu “kiến tha lâu có ngày đầy tổ”. Thời gian tới, lực lượng Công an sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát, nắm bắt địa bàn để theo dõi từ đó có phương án phối hợp với các cơ quan chức năng, quyết xử lý nghiêm các trường hợp KTKS trái phép.

 

Bài & ảnh: Yến Nhi

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa – Vũng Tàu: Mạnh tay xử lý khai thác khoáng sản trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO