Ba liệt sỹ đặc biệt của vùng núi Lào Cai

25/07/2017 00:00

(TN&MT) - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ 27/7, xin giới thiệu đôi nét về 3 liệt sỹ đặc biệt của tỉnh miền núi biên giới Lào Cai đã anh dũng hy sinh vì đất nước và quê hương; đó là liệt sỹ Hoàng Sào trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; liệt sỹ Đào Nguyên Hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ; nhà báo - nhà văn -  liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc tháng 2/1979.

Từ chối giải thoát để bảo vệ tổ chức cách mạng

Nằm ở trung tâm phường Pom Hán, phía nam TP. Lào Cai là con đường khá đẹp mang tên liệt sỹ Hoàng Sào, người con anh hùng của vùng đất cách mạng Cam Đường năm xưa. 

Liệt sĩ Hoàng Sào, người dân tộc Tày quê gốc ở  xã Cam Đư­ờng, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) xưa  và nay thuộc địa phận xã Tả Phời, thành phố Lào Cai. Khi  mới 20 tuổi xuân, anh tham gia Việt Minh và đư­ợc giao nhiệm vụ cùng đồng đội tuyên truyền xây dựng lực lượng vũ trang ở chiến khu cách mạng Cam Đường gồm: khu Làng Hẻo, Làng Cóc,  Làng Pèng, Đá Đinh,  Làng Cáng, Làng T­ượng,…

Theo lịch sử cách mạng địa phương ghi lại: Một buổi chiều, đồng chí Hoàng Sào trên đ­ường đi tuyên truyền về thì bị tốp lính dõng bắt (phụ trách tốp lính dõng là một người Tày ở Làng Cóc do ta bố trí đưa vào hoạt động trong lòng địch). Tối hôm đó, tổ chức bàn với ng­ười phụ trách lính dõng kế hoạch đánh tháo đồng chí Hoàng Sào trên đư­ờng dẫn giải về căn cứ của địch như­ng đồng chí không đồng ý vì lo lắng sẽ làm bại lộ cơ sở cách mạng của ta. 

Tuổi trẻ các dân tộc Lào Cai thắp hương tưởng nhớ liệt sỹ -Anh hùng Hoàng Sào ở khu Bia ghi công liệt sỹ - Anh hùng Hoàng Sào
Tuổi trẻ các dân tộc Lào Cai thắp hương tưởng nhớ liệt sỹ -Anh hùng Hoàng Sào ở khu Bia ghi công liệt sỹ - Anh hùng Hoàng Sào

Đồng chí Hoàng Sào đã nhắn lại với đồng đội: “Các đồng chí cứ yên chí, đừng lo, tôi dù có chết cũng không để lộ đâu”. Không moi được tin tức gì của ta, quân địch đ­ưa  Hoàng Sào đi biệt giam tại thị xã Lào Cai, chúng tra tấn anh rất dã man như­ng vẫn không khai thác đ­ược thông tin gì từ người thanh niên dũng cảm này. Lợi dụng một đêm tối trời bọn địch đã bỏ Hoàng Sào vào một chiếc bao tải  rồi ném xuống dòng nước sông Hồng đang chảy xiết dưới lòng cầu Cốc Lếu hòng phi tang. 

Đồng chí Hoàng Sào đã anh dũng  hy sinh ngày 13/12/1948, nhưng tên tuổi và tấm gương cao đẹp, xả thân vì cách mạng của người trai trẻ dân tộc Tày vùng quê hương  cách mạng Cam Đường còn sống mãi với truyền thống cách mạng hào hùng của vùng núi tỉnh Lào Cai.

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 20 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, ngày 21/12/2009 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký các Quyết định phong tặng và  truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 13 tập thể và 4 cá nhân đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong số đó có liệt sỹ Hoàng Sào, nguyên Hội viên cứu quốc Việt Minh tỉnh Lào Cai.

Khu đất gia đình liệt sỹ Hoàng Sào ở năm xưa tại thôn Hẻo, xã Tả Phời (TP. Lào Cai) đã được tỉnh Lào Cai xây dựng bia kỷ niệm Người anh hùng Hoàng Sào. Nơi đây trở thành một trong những địa chỉ Đỏ của tuổi trẻ thành phố Lào Cai tới dâng hương hoa kính viếng và nghe những câu chuyện cảm động về tinh thần anh hùng của một người thanh niên dân tộc Tày đã không quản hy sinh thân mình vì nước, vì dân.

Hy sinh trên đường đánh chiếm Dinh Độc lập ngày 30/4/1975

Đó là liệt sĩ Đào Nguyên Hồng (Hùng), quê gốc xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo (TP. Hải Phòng) theo bố mẹ lên vùng núi Lào Cai xây dựng kinh tế mới tại thôn Phẻo, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) từ khi còn nhỏ.

Bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Đào Nguyên Hồng do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký tăng gia đình ghi rõ hy sinh ngày 30/4/1975.
Bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Đào Nguyên Hồng do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký tăng gia đình ghi rõ hy sinh ngày 30/4/1975.

Tháng 6/1974, anh thanh niên trẻ Đào Nguyên Hồng cùng hàng trăm tân binh quê ở vùng cao Lào Cai hăng hái lên đường nhập ngũ, về vùng đất Thái Nguyên luyện quân trong đội hình đại đội 10, tiểu đoàn 9, sư đoàn 304B (Quân khu Việt Bắc) 6 tháng liên tục để đầu năm 1975 vượt Trường Sơn vào mặt trận chiến đấu.

Các chiến sĩ trẻ tỉnh Lào Cai cùng tỉnh Yên Bái dịp ấy có vinh dự vào chiến trường Tây Nguyên trực tiếp tham gia chiến dịch mở màn giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975. Sau đó, hành quân thần tốc xuống mặt trận Miền Đông đất đỏ cùng đại quân chuẩn bị tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975.

Trên đường tiến quân vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, chiến sĩ trẻ Đào Nguyên Hồng thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64A, Sư đoàn 320A (Quân đoàn 3) đã anh dũng hy sinh khi đang cùng đồng đội tiêu diệt một ổ hỏa lực ngay cổng tư dinh Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn trên đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai ở quận 1, TP.HCM) cách cổng Dinh Độc Lập không xa.

Liệt sỹ Đào Nguyên Hồng đã được bộ phận thực hiện chính sách thương binh , liệt sỹ của Sư đoàn 320A và người dân thành phố Sài Gòn an táng tại Nghĩa trang Gia Định. Nhưng điều đáng buồn là sau hơn 40 năm thành phố Sài Gòn và cả miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nhưng gia đình vẫn chưa tìm được mộ chí của liệt sĩ Đào Nguyên Hồng, do mộ đã được quy tập về nghĩa trang khác, chưa được xác định.

Di ảnh liệt sỹ Đào Nguyên Hồng
Di ảnh liệt sỹ Đào Nguyên Hồng

Tôi có nhờ nhà báo Vũ Cao, phóng viên Báo Sài Gòn giải phóng và Báo An ninh thế giới đi tìm mộ chí Đào Nguyên Hồng tại các nghĩa trang liệt sỹ của thành phố Hồ Chí Minh đều chưa tìm thấy.

 Duy nhất tại nghĩa trang liệt sỹ xã Tân Thạnh Tây (huyện Củ Chi, TP.HCM) có một mộ chí ghi tên là Đào Thiên Hùng, sinh năm 1956, không rõ có phải là mộ chí của liệt sỹ Đào Nguyên Hồng không và tôi đã tới tận nơi thắp hương ngôi mộ này cách đây chục năm... 

Kết thúc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước , gia đình liệt sĩ Đào Nguyên Hùng vinh dự đón nhận Huân chương Chiến công hạng Ba do Chủ tịch Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam, luật sư Nguyễn Hữ Thọ ký truy tặng cùng Tấm bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Phạm văn Đồng ký tặng gia đình ghi rõ ràng liệt sỹ Đào Nguyên Hồng hy sinh ngày 30/4/1975...

Đường phố mang tên Nhà báo – Liệt sỹ

Nhà báo - nhà văn - liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết là phóng viên chiến trường của Báo Hoàng Liên Sơn, cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn, hy sinh đúng ngày 17/2/1979 tại một cao điểm chiến đấu ở vùng biên giới xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương (tỉnh Hoàng Liên Sơn ) khi đang cùng bộ đội địa phương và dân quân chiến đấu ngoan cường chống quân xâm lược, góp phần bảo vệ biên giới Tổ quốc.

Tại kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XIV họp cuối năm 2013 đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên 6 đường, 85 phố và 26 công trình công cộng trên địa bàn thành phố Lào Cai; trong số đó có 3 đường phố mang tên liệt sĩ bảo vệ biên giới Tổ quốc tháng 2/1979 tại tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Đó là liệt sĩ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Đại Huệ, cán bộ phân đội thuộc trung đoàn 16 công an vũ trang nhân dân, hy sinh ngày 17/ 2/1979 tại huyện lỵ biên giới Mường Khương (tỉnh Lào Cai); Liệt sĩ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Quách Văn Rạng, chiến sĩ biên phòng đồn cửa khẩu Lào Cai hy sinh tháng 2 /1979 tại biên giới tỉnh Lào Cai và Liệt sĩ - nhà báo - nhà văn Bùi Nguyên Khiết, phóng viên báo Hoàng Liên Sơn (nay là báo Lào Cai), hy sinh khi đang cùng bộ đội địa phương và dân quân xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai) trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới ngày 17/2/1979, khi ông đang ở mặt trận để viết bài, chụp ảnh cho báo Hoàng Liên Sơn.

Nhà báo - nhà văn -  liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết,phóng viên chiến trường Báo Hoàng Liên Sơn ( người cầm súng đứng phía phải bức ảnh) trên chốt tiền tiêu bảo vệ biên giới Lào Cai  tháng 2/1979. Ảnh tư liệu Báo Lào Cai
Nhà báo - nhà văn - liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết,phóng viên chiến trường Báo Hoàng Liên Sơn ( người cầm súng đứng phía phải bức ảnh) trên chốt tiền tiêu bảo vệ biên giới Lào Cai tháng 2/1979. Ảnh tư liệu Báo Lào Cai

Tên liệt sĩ - nhà báo - nhà văn  Bùi Nguyên Khiết được đặt cho đường phố nằm trên trục đường phố mới mở mang ký hiệu DN2 trên địa bàn khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường thuộc phường Bình Minh, thành phố Lào Cai.

Liệt sĩ - nhà báo - nhà văn Bùi Nguyên Khiết sinh năm 1945, quê quán xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Trước khi trở thành phóng viên của Báo Hoàng Liên Sơn, ông là giáo viên cấp 2 đã có nhiều năm dạy học ở các huyện Bắc Hà, Sa Pa và thị xã Lào Cai (tỉnh Lào Cai). Ông từng là học viên Lớp bồi dưỡng viết văn cho các nhà văn trẻ Việt Nam năm 1974.

Nhà báo Bùi Nguyên Khiết là tác giả của nhiều tác phẩm văn học – báo chí tiêu biểu viết về mảnh đất và con người vùng biên giới Lào Cai như: các tập truyện ngắn" Đi bên những vì sao", "Dáng núi", "Ngôi sao xanh màu lá mạ" ( in chung với nhà văn Ma Văn Kháng), "Tiếng chim đổi mùa" ( in cùng nhiều tác giả), các truyện ký, bút ký đăng các báo Trung ương gồm báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đôi, Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam...

Nhà báo - liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết được công nhận chính thức là hội viên Hội nhà văn Việt Nam sau khi hy sinh ngày 17/ 2/1979; ông cũng được truy tặng Giải thưởng văn học nghệ thuật Phan Si Păng - Giải thưởng Văn học nghệ thuật lớn nhất của tỉnh Lào Cai xét tặng 5 năm một lần do Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trao tặng đợt đầu tiên vào năm 2004.

                  Bài & ảnh: Phạm Ngọc Triển

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba liệt sỹ đặc biệt của vùng núi Lào Cai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO