APEC 2017: Việt Nam đề xuất trúng những vấn đề cần ưu tiên

08/12/2016 00:00

(TN&MT) - Tại Hội thảo về những ưu tiên của Năm APEC 2017 diễn ra vào ngày 8/12/2016, tại Hà Nội, các nước thành viên APEC đánh giá những vấn đề mà Việt Nam đưa ra đã phản ánh được những quan tâm chung của các nền kinh tế để APEC vẫn là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch SOM APEC 2016, Đại sứ Peru Luis Quesada khẳng định Peru ủng hộ các ưu tiên do Việt Nam đề xuất.
Chủ tịch SOM APEC 2016, Đại sứ Peru Luis Quesada khẳng định Peru ủng hộ các ưu tiên do Việt Nam đề xuất

Những nội dung ưu tiên do Việt Nam đề xuất bao gồm: liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo; tăng cường sự sáng tạo và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; bảo đảm an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Peru Luis Quesada, Chủ tịch SOM APEC 2016 Peru cho biết, đã chứng kiến thành công của Việt Nam trong việc tổ chức APEC 2006 và bày tỏ tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức thành vai trò chủ nhà APEC 2017.

Ông khẳng định Peru ủng hộ các ưu tiên do Việt Nam đề xuất, trong đó, có việc thúc đẩy các nền kinh tế thành viên mở cửa hơn nữa đối với các mặt hàng thực phẩm vì chúng có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Peru cũng khẳng định các nền kinh tế APEC cần tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực vì đó là cách tốt nhất để tạo cơ hội cho tất cả mọi người trong quá trình phát triển, đồng thời, để nguồn nhân lực có thể đáp ứng với những yêu cầu của thị trường trong thế kỷ 21.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 cho biết, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp có ý nghĩa vào Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân trong khu vực. Quan hệ hợp tác kinh tế được tăng cường cùng với mạng lưới Hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế thành viên là một minh chứng sinh động cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với APEC và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, để APEC tiếp tục phát triển trong thời gian tới, cần phải thúc đẩy tăng trưởng bền vững sáng tạo và bao trùm. Chương trình nghị sự của APEC cần chú trọng vào cải cách thể chế, điều này là quan trọng đối với việc thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo và thu hẹp khoảng cách phát triển. Bên cạnh đó, cần phải hợp tác để thúc đẩy hội nhập và kết nối khu vực sâu rộng, điều quan trọng là phải nắm bắt cơ hội, do các cơ chế khu vực hiện có tạo ra như Cộng đồng ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương... nhằm thực hiện các mục tiêu đặt ra, tin tưởng về vai trò quan trọng của sự hợp tác công – tư trong việc tăng cường kết nối khu vực và tiểu vùng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và siêu nhỏ cần tạo điều kiện mạnh mẽ, bằng cách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh sức sáng tạo tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp vừa và siêu nhỏ là động lực quan trọng đối với tăng trưởng và tạo công ăn việc làm. Tiềm năng hợp tác về cơ sở hạ tầng số là rất lớn vì châu Á -Thái Bình Dương là khu vực có số lượng người sử dụng Internet nhiều nhất thế giới. Đồng thời, an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững cần tăng cường và chú trọng hơn nữa.

APEC cần tìm ra các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho chuyển giao và ứng dụng công nghệ để tăng năng suất và chất lượng trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường quản lý các nguồn tài nguyên, nâng cao tay nghề cho nông dân, giúp họ tiếp cận tốt hơn với nguồn tài chính và thị trường; tăng cường đầu tư thương mại trong nông nghiệp và thúc đẩy phát triển nông nghiệp sáng tạo và bao trùm.

Phạm Thu Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
APEC 2017: Việt Nam đề xuất trúng những vấn đề cần ưu tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO