Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 104 hồ thủy lợi, trong đó có 6 hồ lớn có dung tích chứa từ 5 triệu mét khối trở lên, gồm: Hồ Đồng Mô và Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây), Suối Hai (huyện Ba Vì), Quan Sơn (huyện Mỹ Đức), Đồng Sương và Văn Sơn (huyện Chương Mỹ). Các hồ thủy lợi của Hà Nội không chỉ có vai trò quan trọng trong việc cắt lũ rừng ngang mà còn cung cấp nước tưới, sinh hoạt phục vụ cho khoảng 20.000ha đất canh tác và hơn 2 triệu người dân nông thôn vùng hạ du thuộc 8 huyện, thị xã… Tuy nhiên, do phần lớn các hồ chứa thủy lợi của thành phố được xây dựng từ những năm 1960-1970, kết cấu bằng đất, chịu tác động của nhiều trận mưa lớn nên xuất hiện nhiều hạng mục công trình như: Đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước bị xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng...
Ông Nguyễn Văn Hải, phụ trách điều hành Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội cho biết, sau khi kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng 61 hồ chứa, đã phát hiện 19 hồ trên địa bàn huyện Sóc Sơn bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài việc lập phương án bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du và công trình, hiện nay, Công ty đã lập danh sách và đề xuất thành phố cho phép đầu tư các hồ chứa hư hỏng, xuống cấp với kinh phí khái toán hơn 15 tỷ đồng.
Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích đang quản lý 75 hồ chứa. Qua kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình, Công ty đã phát hiện 35 hồ chứa nhỏ có nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng. Công ty đã lập danh mục, đề xuất thành phố đầu tư khoảng 51 tỷ đồng để sửa chữa 35 hồ thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp…
Để bảo đảm an toàn hồ, đập, bảo vệ tính mạng, tài sản dân cư vùng hạ du trong mùa mưa bão năm 2018, vừa qua, UBND thành phố yêu cầu các doanh nghiệp thủy lợi chủ động xử lý, khắc phục ngay những công trình, hạng mục công trình hư hỏng có nguy cơ mất an toàn để chủ động đối phó với những tình huống bất lợi về thời tiết có thể xảy ra. UBND thành phố cũng yêu cầu các huyện, thị xã có hồ đập phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thủy lợi rà soát vùng hạ du hồ chứa tập trung đông dân cư, khu kinh tế, khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt, chủ động phương án cảnh báo cho nhân dân để sẵn sàng ứng phó khi xả lũ; xây dựng phương án và chủ động tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi xảy ra ngập lụt…
Bên cạnh đó, UBND thành phố yêu cầu các sở NN&PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính phối hợp với doanh nghiệp thủy lợi rà soát, tổng hợp đề xuất danh mục sửa chữa, duy tu, chống xuống cấp các hồ chứa trên địa bàn thành phố bảo đảm an toàn công trình phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai…