An toàn bức xạ ở các cơ sở y tế tư nhân: Nhiều việc đáng lo

11/10/2014 00:00

(TN&MT) - Đảm bảo môi trường an toàn bức xạ trong lĩnh vực y tế, đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân ở Thừa thiên Huế đang là vấn đề còn nhiều hạn chế.

   
(TN&MT) - Đẩy mạnh việc cấp phép, thường xuyên thanh, kiểm tra nhằm đảm bảo môi trường an toàn bức xạ trong lĩnh vực y tế, đặc biệt các cơ sở y tế tư nhân là hoạt động hàng năm được ngành chức năng ở Thừa thiên Huế thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề này còn tồn tại những hạn chế.
   
Còn những cơ sở chưa đạt chuẩn
   
  Mới đây, chúng tôi đến thăm phòng khám đa khoa Medic số 1, Bến Nghé TP. Huế, một cơ sở y tế tư nhân hoạt động trong khám chữa bệnh cho người dân. Trao đổi về môi trường an toàn bức xạ ở phòng khám, chủ cơ sở này cho rằng, ở đây có phòng máy chụp Xquang hàng năm được ngành chức năng kiểm định thiết bị, đánh giá đảm bảo các chỉ số đạt chuẩn không rò rỉ tia ra ngoài, cán bộ y tế phụ trách được trang bị liều kế cá nhân (thiết bị đo liều lượng bức xạ) trong vận hành... “Cơ sở tôi là của tư nhân, muốn tồn tại hoạt động phải chấp hành nghiêm túc các quy trình, quy định của pháp luật Nhà nước đề ra trong lĩnh vực y tế. Nếu không chấp hành sẽ bị “huýt còi”, hạ bảng hiệu đóng cửa ngay...”- anh Ái, chủ cơ sở nói.
   
  Ghé vào thăm cơ sở khám, chữa bệnh Metec ở 56, Bến Nghé, TP. Huế, chúng tôi thấy phòng chụp Xquang được định vị ngay sau phòng tiếp bệnh nhân. Anh Nho, phụ trách phòng này cho rằng: “Đã mở phòng khám chữa bệnh cho người dân phải lấy chữ tín lên hàng đầu, mọi quy chuẩn trong ngành y phải đúng nguyên tắc. Về môi trường an toàn bức xạ tại phòng chụp Xquang ở cơ sở được xây dựng thiết kế đảm bảo các chỉ số để vận hành, tường phòng được che chắn chì chống tia x bắn ra ngoài, máy móc được kiểm định hàng năm... Là kỹ thuật viên vận hành, thường xuyên tiếp xúc với thiết bị hàng ngày nên không chỉ lo cho bệnh  nhân mà cũng  phải quan tâm đến bản thân mình, như trang bị bảo hộ, liều kế cho cá nhân cũng thao tác thực hiện đúng quy trình đóng mở thiết bị, cửa phòng... ”.
   
  Anh Bạch Văn Linh- Phó Chánh thanh tra Sở Y tế cho biết, phần lớn các cơ sở y tế công lập lẫn ngoài công lập trên địa bàn ít nhiều có sử dụng chiếu xạ. Không chỉ dùng trong Xquang để chẩn đoán bệnh tình, chiếu xạ được sử dụng phổ biến phòng chống ung thư, như xạ trị, y học hạt nhân… Thời gian gần đây, hàng năm ngành chức năng luôn thanh kiểm tra môi trường an toàn bức xạ các cơ sở y tế trong và ngoài công lập, như giấy phép hoạt động về bức xạ, điều kiện, kích thước phòng ốc, nơi đặt thiết bị bức xạ, an toàn môi trường ảnh hưởng đến khu vực chung quanh... Qua kiểm tra, phần lớn các cơ sở đều đảm bảo quy chuẩn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một số nơi, đặc biệt các phòng khám, phòng chụp Xquang tư nhân hoạt động lâu năm, phòng ốc tận dụng che chắn không cẩn thận, thiết bị lạc hậu, không quan tâm vấn đề kiểm định... Khi cán bộ chức năng đến thanh, kiểm tra chủ cơ sở lẩn tránh.
   
Chụp MRI tại một phòng khám đa khoa tư nhân ở TP Huế
   
Số cấp phép hoạt động còn khiêm tốn
   
  Theo Phòng Quản lý Công nghệ, Sở Khoa học công nghệ (KHCN) Thừa Thiên Huế, đến thời điểm này trên địa bàn chỉ cấp phép hoạt động 45 chiếu xạ lớn (máy dùng tia bức xạ) trong các cơ sở y tế. Tôi hỏi cán bộ phụ trách phòng Quản lý Công nghệ Sở KHCN: “Số máy được cấp phép so với máy đang hoạt động trên địa bàn chiếm bao nhiêu phần trăm?”. Cán bộ này chỉ cười trừ... Qua trao đổi, tôi được biết số máy được cấp phép trên địa bàn còn khiêm tốn, bởi chỉ tính riêng các cơ sở y tế công lập trên địa bàn 9 huyện, thành phố, đến Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Bắc, Nam... có lẽ đã chiếm đủ con số ấy.
   
  Bên cạnh hạn chế nhận thức trong việc khai báo, xin cấp phép hoạt động cho những máy lớn, có quy mô, một vấn đề đặt ra cho ngành chức năng quan tâm mà theo anh Dương Quốc Tuấn, Chánh thanh tra Sở KHCN Thừa Thiên Huế, đó là hiện nhiều cơ sở nha khoa mọc lên trên địa bàn, có trang bị máy chiếu xạ cở nhỏ, nhẹ gọn, dễ di chuyển để chụp Xquang răng, hàm, lợi... Thế nhưng, hầu hết các chủ cơ sở nha khoa vẫn chưa mặn mà đến khai báo đăng ký giấy phép hoạt động tại Sở KHCN.
   
  Ông Trần Ngọc Nam- Giám đốc Sở KHCN Thừa Thiên Huế cho biết, từ khi có Luật An toàn bức xạ, hạt nhân ra đời vào năm 1996, kèm theo các nghị định liên quan của Chính phủ và đến các thông tư của Liên bộ KHCN, Y tế, các văn bản hướng dẫn ngành địa phương, vấn đề an toàn kiểm soát bức xạ trên địa bàn nói chung và lĩnh vực y tế được quan tâm. Hàng năm, Sở đã phối kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kế hoạch thanh, kiểm tra, giám sát, quản lý thực thi các quy định về an toàn bức xạ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối môi trường bức xạ trên địa bàn, đặc biệt lĩnh vực y tế tư nhân vẫn còn những hạn chế. Ở nơi này nơi kia vẫn có những thiếu sót, như phòng ốc xây dựng chưa đạt chuẩn, điều kiện che chắn, treo bản cấm nguy hiểm, có hiện tượng để rò rỉ tia bức xạ ra ngoài vượt giới hạn cho phép...
   
  Ông Nam cho biết, mới đây, tỉnh chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành giữa Sở KHCN và Y tế đi thanh kiểm tra định kỳ các cơ sở y tế; trong đó chú trọng kiểm tra vấn đề liên quan đến đảm bảo môi trường an toàn bức xạ trong cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Đến thời điểm này, đoàn liên quan đang thẩm định những vướng mắc, sai sót ở các cơ sở để đưa ra kết luận vào cuối tháng 10. Trên cơ sở đó để khuyến cáo, khắc phục và xử phạt đúng luật định nếu các cơ sở vi phạm...
   
   
Bức xạ là một trong những tác nhân có thể liên quan tới bệnh tật, gây ra sự tổn thương bức xạ ở mức phân tử, tế bào và hệ thống cơ quan của con người. Cán bộ y tế thường xuyên tiếp xúc với bức xạ nếu không kiểm soát chặt có thể bị vô sinh, suy giảm bạch cầu, sinh con dị tật, ung thư hoặc nhẹ thì mẫn cảm dị ứng. Hiểm họa từ Xquang còn tác động lên cộng đồng dân cư rất lớn do chính nhu cầu khám và điều trị bệnh của người dân.
        
    
        
Nhằm đảm bảo an toàn bức xạ trong ngành y tế, ngày 9/6/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT. Theo đó, việc tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ, thuốc phóng xạ, thuộc phóng xạ trong cơ sở y tế phải đảm bảo: Việc chỉ định khám, chữa bệnh bằng bức xạ ion đem lại lợi ích thực tế cho người bệnh là đáng kể so với tác hại mà họ phải chịu; Không để liều chiếu xạ gây ra bởi các công việc này đối với nhân viên bức xạ y tế và công chúng vượt quá liều giới hạn; bảo đảm liều chiếu xạ đối với người bệnh theo mức chỉ dẫn….
    
Bài và ảnh: Xuân Giang
   
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An toàn bức xạ ở các cơ sở y tế tư nhân: Nhiều việc đáng lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO