An Phú gian nan với nạn "cát tặc"

19/12/2016 00:00

  (TN&MT) - Bãi bồi ven sông Thái Bình của thôn An Phú, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), vốn là nguồn mưu sinh chủ yếu của 279 hộ gia đình, nhờ...

 

(TN&MT) - Bãi bồi ven sông Thái Bình của thôn An Phú, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), vốn là nguồn mưu sinh chủ yếu của 279 hộ gia đình, nhờ vào gieo trồng các loại hoa màu. Nhưng thật xót xa, vấn nạn cát tặc đã “gặm nhấm” mất dần của người dân An Phú hàng chục mẫu đất. Không thể mãi đứng nhìn đất bị trôi sông, các hộ dân An Phú chung tay, góp sức cùng chính quyền xã Đức Chính giành giật từng tấc đất với nạn khai thác cát trái phép.

Nạn cát tặc đã cướp mất gần nửa diện tích đất bãi bồi thôn An Phú
Nạn cát tặc đã cướp mất gần nửa diện tích đất bãi bồi thôn An Phú

Tới bãi bồi phù sa của thôn An Phú, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, nơi canh tác rau màu chủ yếu của phần lớn các gia đình trong thôn. Thấy cảnh từng thửa đất bãi bồi màu mỡ, bị trôi sông chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi “xót xa” của hàng trăm hộ dân bị cướp đi “miếng cơm manh áo”do nạn khai thác cát trái phép gây ra.

Được biết, đất canh tác ven sông của thôn An Phú trước kia có diện tích 80 mẫu đất phù sa, màu mỡ do sông Thái Bình bồi lấp; đã mang đến cho người dân cuộc sống ấm no từ việc thu nhập trồng các loại hoa màu: Ngô, khoai, đậu tương, rau xanh… Nhưng do vấn nạn “cát tặc” đã cướp mất của người dân 21 mẫu. Cũng đồng nghĩa việc nhiều gia đình nguồn thu nhập bị giảm sút, lại mất nhiều thời gian, công sức canh bãi và ngày ngày lo lắng đất trôi sông.

Chỉ cho chúng tôi, thửa đất “nham nhở” của gia đình do nạn khai thác cát trái phép, ông Phạm Văn Điền, nói như than: Gia đình tôi trước kia được chia 4 sào đất từ năm 1993 để canh tác trồng rau màu. Chỉ trong thời gian ngắn 2 năm trở lại đây, nạn khai thác cát hoành hành, khiến đất của gia đình ông Điền bị trôi sông gần 2 sào. Nguồn thu nhập chính của gia đình ông Điền, mỗi sào đất hàng năm cho thu từ 25 – 30 triệu đồng trồng hoa màu, nay bị giảm sút nên đời sống gia đình ông rơi vào cảnh khó khăn, túng thiếu...

Anh Viện xót xa bên bãi bồi của gia đình bị trôi sông do nạn khai thác cát trái phép
Anh Viện xót xa bên bãi bồi của gia đình bị trôi sông do nạn khai thác cát trái phép

Sự lộng hành và bất chấp của “ cát tặc” đã làm nhiều gia đình thôn An Phú rơi vào cảnh “khốn đốn” khi phải lo cho các con ăn học. Như trường hợp của anh Phạm An Viện, với 4 sào đất bãi bồi; nhờ sự cần mẫn “mùa nào thức ấy” trồng các loại rau màu… Hàng năm, vợ chồng anh chị dư thừa nuôi 2 con ăn học. Nhưng nay, 4 sào đất đã bị trôi sông mất 3 sào, vợ chồng anh không còn biết trông vào đâu lo cho các con ngày một trưởng thành. Còn lại một sào đất, gia đình anh quyết tâm không thể để cát tặc cướp nốt, nên ban ngày phải đi làm thuê mướn, đêm về lại cùng các gia đình trong thôn “lặn lội” ra sông canh đất.

“Do người dân trong thôn cùng với Tổ phòng chống khai thác cát trái phép của xã  quyết liệt, dùng các giải pháp ngăn chặn không cho tàu vào hút cát, nên bọn cát tặc dùng cách “ăn cắp” tinh vi, manh động hơn” – anh Viện nói: Hàng đêm, cát tàu cát đợi về khuya khi người dân ngủ say mới vào hút cát. Các tàu ở các vị trí xa, đưa vòi rồng với công suất lớn và di chuyển liên tục các vị trí. Khi mọi người ra truy đuổi, thì cát tàu cát đã chạy ra khỏi địa bàn đất của thôn, nên phải thay phiên nhau ngủ. Canh cát đêm vất vả, khổ sở… nhưng mất đất, mất phương tiện sản xuất “kế sinh nhai” dù gian nan đến đâu người dân An Phú không thể để mất thêm tấc đất nào nữa.  

Người dân dựng lều di động canh cát tặc
Người dân dựng lều di động canh cát tặc

Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra ngày một “trắng trợn”, 279 hộ dân có đất bãi bồi thôn An Phú đã không quả thời gian, công sức… – ông Phùng Văn Học, trưởng thôn An Phú chia sẻ: Nhiều hộ gia đình trong thôn mất trắng đất bãi, phải đi thuê lại đất ở các thôn bên để sản xuất. Diện tích còn lại, nếu không có giải pháp quyết liệt thì năm qua chắc đã trôi sông hết. Dân mất đất, thì biết sống bằng cách nào, thời điểm (năm 2008 – 2011) khi xã và thôn chưa có giải pháp ngăn chặn, ngày đêm có hàng chục tàu với tải trọng từ 150 – 300 m2 liên tục vào hút cát, tàu ra vào như chỗ không người.

Chính vì vậy, đất bãi bồi qua mỗi ngày hiến cho “hà bá” một cách chóng mặt, không thể để mất thêm “tấc đất” vào tay cát tặc, người dân thôn An Phú đã kết hợp cùng Tổ Phòng chống khai thác cát trái phép xã, ngày đêm canh gác xua đuổi tàu cát. Nhưng về lâu dài, người dân thôn An Phú mong muốn các cấp, ban, ngành… có giải pháp để chấm dứt hẳn nạn khai thác cát trái phép, chứ không ngày đêm canh giữ như hiện nay, người dân rất gian nan, vất vả và nhiều khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Bởi các tàu khai thác cát trái phép rất manh động, khi bị truy đổi chống trả, dọa nạt người dân. Nhưng nếu chỉ cần lơ là, mất cảnh giác là các tàu lại sà vào hút trộm.

Tàu khai thác cát trái phép hiện đang bị bắt giữ tại xã Đức Chính
Tàu khai thác cát trái phép hiện đang bị bắt giữ tại xã Đức Chính

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Hoàng Văn Chư, Chủ tịch UBND xã Đức Chính quả quyết: Trước nạn cát tặc hoành hành (năm 2008 – 2011) xã Đức Chính đã quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn. Trên địa bàn xã có 8 thôn bị mất trên 20ha đất do nạn khai thác cát trái phép, trong đó thôn An Phú bị thiệt hại nhiều nhất. Được sự chỉ đạo của huyện, cấp kinh phí hỗ trợ, năm 2011, xã thành lập Tổ Phòng chống khai thác cát trái phép, gồm 9 thành viên (Phó Trưởng Công an xã làm tổ trưởng). Hàng ngày, tổ cắt cử 2 người cùng người dân thôn An Phú canh giác 24/24 giờ.

Để hoạt động có hiệu quả, xã trang bị cho Tổ canh giữ cát 1 ca nô và cấp kinh phí 100 triệu/năm, dùng chi vào tiền mua xăng, công cụ và bồi dưỡng người canh gác hàng ngày. Do vậy, cát tặc không dám lộng hành, tàu cát chỉ lợi dụng khi người canh gác sơ hở để hút trộm. Từ đầu năm đến nay, xã bắt 3 tàu khai thác cát, bàn giao cho Công an huyện xử lý. Dù quyết tâm, không lơ là, mất cảnh giác… nhưng cát tặc không từ bỏ mọi thủ đoạn, tìm mọi cách để ăn cắp tài nguyên, khoáng sản. Chính quyền địa phương và người dân luôn xác định, để chống lại nạn khai thác cát là rất gian nan, vất vả…

Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống khai thác cát trái phép, ông Đỗ Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, cho biết: Huyện Cẩm Giàng chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan chức năng… vào cuộc quyết liệt nạn khai thác cát trái phép ở xã Đức Chính. Yêu cầu, các hộ gia đình trong xã có tàu, thuyền làm cam kết không khai thác cát trái phép. Huyện đã phê duyệt cấp kinh phí thường xuyên hàng năm cho hoạt động này, Công an huyện thường xuyên trực để khi có tin báo từ cơ sở nhanh chóng triển khai lực lượng bắt giữ phương tiện khai thác cát. Do vậy, trên địa bàn xã Đức Chính tình trạng khai thác cát trái phép, mới chỉ tạm thời được ngăn chặn không còn “bát nháo” tràn lan như trước.

Theo ông Dương, về lâu dài chấm dứt hẳn tình trạng khai thác cát trái phép, chính quyền cơ sở và người dân không phải căng mình giữ đất như hiện nay, thì các cơ quan có thẩm quyền cần quy hoạch vùng khai thác cát. Bởi nhu cầu về cát mỗi ngày một lớn, nên việc khai thác cát trái phép ngày càng diễn biến phức tạp. Chính quyền và người dân không thể cứ mãi “quanh năm, ngày tháng” đi canh kẻ ăn trộm cát được.

Bài & ảnh: Khánh Phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Phú gian nan với nạn "cát tặc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO