Ẩn họa từ sinh vật ngoại lai: Nâng cao năng lực giám sát

14/02/2017 00:00

(TN&MT) - Theo Trung tâm sinh vật ngoại lai, Đại học Stellenbosch (Nam Phi), tác hại của sinh vật ngoại lai trên toàn thế giới là vô cùng nặng nề. Hàng năm, sinh vật ngoại lai có thể gây thiệt hại khoảng 1.400 tỷ USD, tương đương 5% GDP toàn cầu. Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi phải bỏ chi phí hàng trăm tỷ đồng để triệt phá các loài ngoại lai gây hại, chưa kể tác hại lâu dài mà nó gây ra với môi sinh. Song việc kiểm soát và ứng phó tức thì đối với những loài ngoại lai gây hại vẫn là câu chuyện dài khi năng lực thực tiễn của cơ quan chức năng chưa được cải thiện là bao.

Rùa tai đỏ. Ảnh: MH
Rùa tai đỏ. Ảnh: MH

Những thiệt hại nhìn thấy

Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, ước tính chi phí do gây hại và kiểm soát ngoại lai hàng năm của nước Mỹ phải là hơn 138 triệu USD. Tại Anh, hàng năm phải mất 344 triệu USD cho việc diệt trừ các loài cỏ dại ngoại lai gây hại. Nông dân Philippin đã mất gần 1 tỷ USD trong các mùa vụ do ốc bươu vàng phá hoại lúa và hoa màu. Chỉ tính riêng các quốc gia châu Phi, ước tính đã mất 60 triệu USD/năm để kiểm soát các loài bèo Nhật Bản. Ở Australia, cây mai dương đã lan rộng trên diện tích 18.000ha và chính phủ đã bỏ ra 12 triệu USD/năm để diệt trừ nhưng vẫn không thu được kết quả như mong muốn.

Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, sinh vật ngoại lai đã đe dọa hệ sinh thái. Cụ thể, trường hợp cá rô sông Nile (Lates niloticus) đã làm tuyệt chủng hơn 200 loài cá bản địa khi được nhập vào hồ Lake Victoria trong thập kỷ 1960. Sứa lược (Mnemiopsis leidyi), nguồn gốc từ vùng biển Đại Tây Dương, gây ra mối thảm họa trong cấp dinh dưỡng khi du nhập vào vùng biển Đen. Loài sứa này cạnh tranh thức ăn (động vật phù du) đối với loài bản địa và c:ác loài nuôi trồng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề cá của vùng này. Các loài chuột xâm hại gây ra tuyệt chủng đối với loài chim biển và quần thể của chim biển giảm đáng kể ở mức độ toàn cầu.

Cần nâng cao năng lực kiểm soát

Các loài sinh vật ngoại lai bắt đầu được chú ý ở Việt Nam khi dịch ốc bươu vàng bùng phát gây hại nghiêm trọng trên lúa và cây hoa màu khắp cả nước. Đồng thời năm 1994, Việt Nam ký kết tham gia Công ước CBD về đa dạng sinh học thì các nhà khoa học, các nhà quản lý mới bắt đầu có nhận thức về những nguy cơ gây hại của loài sinh vật ngoại lai.

Tuy vậy, đến năm 2009, khi Việt Nam ban hành luật Đa dạng sinh học và thực tế là nhiều loài sinh vật ngoại lai đã thực sự gây hại, các nhà khoa học, các nhà quản lý phải bắt tay vào quan tâm, nghiên cứu về nó. Tới thời điểm này, Bộ NN&PTNT mới công bố danh sách 48 loài động vật thủy sinh ngoại lai xâm nhập vào Việt Nam.

Trong đó, có 10 loài được đánh giá là không có tác động xấu tới ĐDSH ở nước và nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống được xếp vào mục “trắng”. 24 loài chưa rõ có hay không tác động xấu tới ĐDSH ở nước và nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống, nhưng cần phải tiếp tục theo dõi được xếp vào mục “xám” và 14 loài tác động xấu tới ĐDSH ở nước và nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống, được xếp vào mục “đen”, cần được quản lý chặt chẽ ở các cơ sở nuôi và tiêu diệt ở các vực nước tự nhiên. Đến năm 2013, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư liên tịch Quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại (NLXH) và danh mục NLXH, với 81 loài NLXH có nguy cơ xâm hại đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam và chưa xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Thông qua đó, hằng năm, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố tổ chức điều tra, xác định loài NLXH, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại tại địa phương mình...

Đặc biệt, để ngăn ngừa sinh vật NLXH, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lại xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, từ năm 2013 - 2020, mục tiêu đề ra là kiểm soát và diệt trừ loài ngoại lai ốc bươu vàng, cây mai dương, cây trinh nữ móc.

Cụ thể, thực hiện đánh giá, lựa chọn các giải pháp kiểm soát và diệt trừ 3 loài ngoại lai xâm hại kể trên; xây dựng mô hình và áp dụng thử nghiệm kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại tại một số địa phương; xây dựng và phổ biến tài liệu hướng dẫn kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại và triển khai áp dụng chương trình kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại nêu trên trên toàn quốc.

Ngoài ra, đề án còn tăng cường năng lực cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị kiểm dịch trong việc kiểm soát các loài ngoại lai là kiểm soát và lập danh mục, hồ sơ theo dõi các loài ngoại lai nhập khẩu vào Việt Nam; đào tạo, tập huấn cho các cán bộ cấp lãnh đạo và chuyên viên quản lý chuyên môn công tác tại các Chi cục Bảo vệ môi trường, Chi cục bảo vệ thực vật của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban quản lý Khu bảo tồn về công tác ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Bên cạnh đó, đào tạo, tập huấn cho các cán bộ kiểm dịch tại 47 trạm/chốt kiểm dịch, cán bộ hải quan tại 18 cửa khẩu quốc tế giáp biên giới với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia về nhận dạng các loài ngoại lai xâm hại, các quy định kiểm dịch, kiểm tra biên giới nhằm kiểm soát các loài ngoại lai khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Phát triển hệ thống cảnh báo sớm tại miền Bắc, Trung và Nam, bao gồm việc thông báo những trường hợp loài ngoại lai xâm hại mới xuất hiện hoặc dự báo xuất hiện; thiết lập mạng lưới chia sẻ thông tin trong kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại Việt Nam.

K.Vinh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ẩn họa từ sinh vật ngoại lai: Nâng cao năng lực giám sát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO