Vào mùa khô, nhiệt độ có thể tăng cao làm tăng lượng bốc hơi nước và làm tăng độ mặn trên các sông, rạch thông qua thủy triều mang nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở các xã giáp tỉnh Kiên Giang như: Bình Thành, Thoại Giang, thị trấn Óc Eo, Vọng Thê (Thoại Sơn)...
Lũ đầu vụ có thể gây thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp (vụ hè thu). Lũ chính vụ thường vào tháng 9, tháng 10 có thể gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, cơ sở vật chất hạ tầng (nhà cửa, giao thông, hệ thống công trình thủy lợi, các công trình công cộng như: trường học, công sở, khu vực nuôi trồng thủy sản, vườn cây ăn trái…). Ngoài ra còn có thể gây chết người, đuối nước ở các huyện đầu nguồn như: An Phú, TX. Tân Châu, vùng Tứ giác Long Xuyên: Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú…
Sạt lở đất, sụt lún đất ở các khu vực dọc theo sông Tiền, sông Hậu và các sông kênh rạch lớn theo báo cáo kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông hàng năm trên địa bàn tỉnh của Sở Tài nguyên và Môi trường có thể làm thiệt hại về nhà cửa, đường giao thông, nhà máy, kho bãi và đất sản xuất của người dân.
Để kịp thời ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu An Giang đã chủ động, bổ sung hoàn chỉnh các phương án, sẵn sàng ứng phó sát tình hình thực tế. Đặc biệt là các phương án ứng phó với lũ, hạn hán, xâm nhập măn… theo cấp độ thiên tai. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, dự án về thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời tiếp cận và đề xuất dự án cơ hội để tranh thủ nguồn tài trợ nước ngoài và nguồn vốn của trung ương để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
An Giang chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Tăng cường thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, biến đổi khí hậu bảo đảm thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền đến từng xã, ấp, người dân; đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai.
Xây dựng kế hoạch và triển khai công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ chuyên môn phụ trách tại các sở, ban ngành cấp tỉnh.
Xây dựng mô hình điểm và hoàn thành triển khai nhân rộng các đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã và tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, xã.
Rà soát, kiểm tra, chỉ đạo các ngành, các cấp địa phương, đơn vị cập nhật bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, phương án sát với tình hình thực tế nhằm ứng phó với mọi tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn, quán triệt và triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” đối với từng địa phương, đơn vị.
Lồng ghép các nội dung về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong các kế hoạch, dự án phát triển kinh tế xã hội của các ngành, các cấp. Thực hiện xã hội hóa, phát huy tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đầu tư nâng cao năng lực, trang thiết bị cho Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Xây dựng các bản đồ, phần mềm, cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Tổ chức cho cán bộ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về phòng, chống, ứng phó thiên tai.
Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu – phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chủ động huy động mọi nguồn lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” xử lý các tình huống; tập trung chỉ đạo tổ chức tốt bảo vệ sản xuất, đảm bảo thu hoạch trọng vẹn khi xảy ra thiên tai. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng để huy động ứng cứu kịp thời khi xảy ra thiên tai, để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại. Kiểm tra, rà soát các công trình đê điều, hồ, đập, các cống bọng dưới đê để có kế hoạch duy tu bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời, quan tâm hơn ở những nơi xung yếu, sạt lở.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công trình đã được ghi vốn nhất là các công trình nạo vét kênh kết hơp tu bổ đê bao, công trình sửa chữa cống, bọng. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão, mực nước lũ ở thượng nguồn để kịp thời nắm thông tin thông báo đến cho người dân sản xuất những tiểu vùng ngoài đê bao nhằm chủ động có biện pháp ứng phó hiệu quả, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân an toàn trong mùa mưa lũ.
Tổ chức các điểm giữ trẻ mà lũ (khi cần), tổ chức tập bơi cho trẻ, chuẩn bị phương tiện đưa rước học sinh vùng ngập sâu đến trường an toàn, tổ chức các điểm cứu hộ, chuẩn bị nơi ở tạm, di dời dân trong vùng sạt lở đất bờ sông..