Ấn Độ: Sáng kiến nhỏ về nước tạo sự thay đổi lớn cho cuộc sống của phụ nữ

03/11/2017 00:00

(TN&MT) - Với sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ, cuộc sống của phụ nữ tại 5 ngôi làng nhỏ ở Uttarakhand, Ấn Độ đã thay đổi bằng cách sử dụng hệ thống nước thu gom, vườn rau và chăn nuôi hữu cơ.

Làng Moan thuộc bang Uttarakhand, Ấn Độ là ngôi làng khó tiếp cận do địa hình đồi núi khó khăn. Kidi Devi, người dân của làng này cho biết: "Trời mưa lớn trong nhiều ngày nhưng không liên tục. Lượng mưa như vậy đã từng làm màu mỡ cánh đồng của chúng tôi và bổ sung nguồn nước xuống dốc, nhưng giờ đây điều đó đã thay đổi. Qua nhiều năm, mưa đã trở nên bất thường và đến không đúng lúc, phá huỷ các cánh đồng và chúng tôi phải đối mặt với một vấn đề lớn về nguồn nước hiện tại”.

Theo Anita Bahuguna sống ở ngôi làng miền núi Ranichauri gần đó, cách Chambaghat ở quận Tehri Garhwal 6 km, tuyết rơi ngày càng ít vào mùa đông và suối sẽ giảm dần.

Tuy nhiên, hồi năm 2011, một hướng đi tích cực đã đến với cuộc đời của những người phụ nữ này khi Tổ chức Phụ nữ Hành động vì Sự Phát triển (WAFD) bắt đầu một dự án ở 5 ngôi làng khác nhau gần Chamba. Mục tiêu của dự án là đào tạo phụ nữ trở thành những "nhà lãnh đạo về khí hậu" để các cộng đồng miền núi có thể thích nghi tốt hơn với những tác động của biến đổi khí hậu và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm hiệu quả hơn. Không lâu sau, các công trình thu gom nước trên mái nhà đã được xây dựng ở một số ngôi nhà để thu gom và tiết kiệm nước - nguồn tài nguyên quý giá nhất.

Đối với những phụ nữ sống phụ thuộc trực tiếp vào tài nguyên thiên nhiên trong cuộc sống hàng ngày như Kidi và Anita, chỉ cần thay đổi nhỏ trong mô hình lượng mưa cũng có thể gây hại cho các cánh đồng của họ và tăng gánh nặng thu gom nước cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Mưa cũng làm trầm trọng thêm mối nguy hiểm trong việc điều hướng địa hình núi băng, nơi những phụ nữ này, đặc biệt là trẻ nhỏ phải mang theo xô và chậu đầy nước lúc lên lúc xuống dốc.

"Chúng tôi rất vui mừng với dự án này bởi dự án đã mang lại sự khác biệt lớn cho cuộc sống của chúng tôi. Trước đó, trẻ em không có thời gian để học vì chúng phải đi lấy nước ngay sau khi tan học. Nhưng kể từ khi chúng tôi bắt đầu thu gom nước, trẻ em có thể đi học thay vì đi lấy nước", Anita Bahuguna chia sẻ.

Bằng chứng đáng kể cho thấy rằng biến đổi khí hậu tác động đến phụ nữ nhiều hơn tác động đến nam giới, chủ yếu là do vai trò xã hội. Đó là lý do tại sao WAFD đã hợp tác với Hiệp hội Năng lượng Bền vững và Phát triển Sinh thái (INSEDA) nhằm giúp phụ nữ trở thành những người đi đầu trong phát triển bền vững trong khu vực. Quan hệ đối tác của họ là tập trung vào việc tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của phụ nữ trong chương trình phát triển làng sinh thái, một sáng kiến ​​dựa trên tình nguyện viên.

Các thùng thu nước mưa được làm từ các giỏ tre đan được gia cố bằng xi măng và bê tông để giữ lượng nước lớn và kiểm soát độ rò rỉ. Với sức chứa 3.000 lít mỗi giỏ, họ có thể thu nước từ mái nhà và chứa vào bể để sử dụng trong mùa khô.

"WAFD giúp chúng tôi về tài chính, còn chúng tôi bỏ sức lao động và đóng góp 25 katta (tương đương 625 kg) cát và 6 katta (150 kg) xi măng cho mỗi thùng nước", Kidi Devi nói khi cô tiến về phía ngôi làng Guriyali, nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc khan hiếm​​ nước trong khu vực. Do khan hiếm nước, hầu hết các bể chứa nước (22 trên tổng số 46) đã được lắp đặt trong làng này.

Phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của công việc nông nghiệp ở những vùng núi Nam Á. Ảnh: Juhi Chaudhary
Phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của công việc nông nghiệp ở những vùng núi Nam Á. Ảnh: Juhi Chaudhary

Zareen Myles của WAFD nói với thethirdpole.net: "Làng Guriyali không có nguồn nước và phụ nữ phải đi bộ 3 km để lấy nước hàng ngày. Nhưng với các công trình thu gom nước, nhiều người bây giờ chỉ phải đi lấy nước một hoặc hai lần trong tuần".

Tài nguyên nước từ tự nhiên đã khô cạn trong làng Guriyali trong một khoảng thời gian và giờ đây dân làng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải dựa hoàn toàn vào nước mưa trong khi mưa ngày càng bất thường. Do độ cao, phải mất một thời gian dài để xây dựng đường ống dẫn nước đến làng. Khi nước đến, chỉ có một lượng nhỏ nước và mọi người chen lấn nhau để lấy nước ở một vòi trong một ngôi làng có hơn 60 hộ gia đình.

Nhận thấy rõ sự thành công của việc bảo tồn nguồn nước, hiện nay nhu cầu xây dựng các công trình nước trong làng ngày càng lớn, đặc biệt, khi phụ nữ phải mất 10 chuyến xuống dốc hàng ngày để lấy nước từ suối nước gần nhất.

Pushpa, một nông dân ở Guriyali đang chờ một bể nước được lắp đặt trong nhà cô để giảm bớt gánh nặng lấy nước của cô. Cô phải leo lên dốc núi để đến nhà và đi xuống cánh đồng của cô.

"Có một vấn đề lớn về nước. Những đứa con của tôi phải lấy nước suốt ngày vì tôi bận làm ruộng. Chúng phải lấy nước 4 lần vào buổi sáng và 4 lần vào buổi tối, mỗi chuyến phải đi 3 km. Chúng tôi thực sự mong muốn một bể nước được xây dựng sớm để có thể giảm gánh nặng lấy nước của chúng tôi", Pushpa cho biết khi đang thu hoạch hạt đậu.

Với việc WAFD giới thiệu các công trình thu gom nước và đào tạo nông nghiệp hữu cơ, phụ nữ hiện có thể biến vườn rau và cánh đồng của họ thành những không gian năng suất cao, làm tăng khả năng phục hồi của khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực.

Gần như toàn bộ người dân ở 5 làng - Ranichauri, Savli, Moan, Guriyali và Jagdhar đã thay thế việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân hoá học bằng canh tác hữu cơ. Điều này làm tăng sản lượng, đảm bảo ổn định kinh tế và giảm bớt gánh nặng.

Việc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ đã giúp người dân có thể tiết kiệm 400 INR (tương đương 6,2 USD) mỗi mùa mà họ thường dùng để mua hóa chất và thuốc trừ sâu. Chất lượng đất cũng đã được cải thiện. Nhờ các loại cây trồng khác nhau với năng suất và mùi vị được cải thiện, người dân có thể kiếm được 4.500-8.000 INR (tương đương 70-124 USD) từ vườn rau mỗi năm. Cũng có những lợi ích gián tiếp làm tăng khả năng chống chịu khí hậu của ngôi làng.

Mai Đan

Tổng hợp từ thethirdpole.net

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấn Độ: Sáng kiến nhỏ về nước tạo sự thay đổi lớn cho cuộc sống của phụ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO