Âm nhạc dân gian là một dòng chảy chứ không phải ao tù

12/03/2015 00:00

(TN&MT) - Âm nhạc dân gian ra đời và tồn tại như một thành tố quan trọng và không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa truyền thống Việt Nam.

(TN&MT) - Nhằm giúp độc giả, đặc biệt là các bạn trẻ được tìm hiểu, trải nghiệm cùng các di sản văn hóa phi vật thể tại Hà Nội, ngày 5/3, phóng viên baotainguyenmoitruong.vn đã đăng tải bài viết “Về nguồn – trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Nội xuân Ất Mùi”.
 
Tiếp mạch đề tài này, sau rất nhiều cuộc điện thoại hò hẹn, cuối cùng phóng viên baotainguyenmoitruong.vn cũng đã có buổi trò chuyện thú vị với Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam - nhạc sĩ Thao Giang trong không gian tĩnh mịch, trầm lắng của ngôi đình Hào Nam quận Đống Đa, Hà Nội. Nhạc sĩ Thao Giang cho biết:
 
Đối với mỗi quốc gia, mỗi một dân tộc, văn hóa luôn là sự khẳng định những nét đặc trưng riêng của quốc gia, dân tộc đó trên thế giới. Âm nhạc dân gian ra đời và tồn tại như một thành tố quan trọng và không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều giá trị văn hóa âm nhạc dân gian truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một bởi thời gian, bởi những biến động lịch sử và cơ chế thị trường đã được nghiên cứu, bảo tồn bằng các phương tiện khoa học hiện đại.
 
 
Nhạc sỹ Thao Giang trả lời phỏng vấn baotainguyenmoitruong.vn
Nhạc sỹ Thao Giang trả lời phỏng vấn baotainguyenmoitruong.vn
 
 
PV:Thưa nhạc sĩ, xuất phát từ đâu mà Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam quyết định bảo tồn giá trị Âm nhạc dân gian?
 
Nhạc sĩ Thao Giang: Ý tưởng xuất phát từ chương trình nghệ thuật phục vụ Đại lễ Nghìn năm Thăng Long Hà Nội. Một số nhà quản lý ở Hà Nội không hiểu hết và lãng quên giá trị di sản âm nhạc cổ truyền. Ngoài ca trù Lỗ Khê, ca trù Thái Hà, hát Văn thì không phải ai cũng biết đến hát Xẩm tàu điện hay hát Xẩm chợ. Từ thực tế đó, tôi đã tập hợp tất cả những tư liệu của các nghệ nhân hát Xẩm và qua đó, tôi nhận thấy đó là loại hình dân gian chuyên nghiệp. Vì thế, cần phải có một cơ hội để giới thiệu diện mạo đầy đủ về hát Xẩm giúp cho những nhà quản lý và người dân Thủ đô hiểu một cách có hệ thống về loại hình Âm nhạc dân gian quý báu này.
 
PV: Được biết, Trung tâm có khoảng 25 nghệ sĩ chủ yếu là thế hệ 8X và 9X. Vậy xin nhạc sĩ cho biết, làm thế nào để các nghệ sĩ trẻ tuổi yêu và gắn bó với nghệ thuật Âm nhạc dân gian truyền thống?
 
Nhạc sĩ Thao Giang: Từ năm 2005 – 2008, thế hệ biểu diễn liên tục trên phố Cổ chủ yếu là các nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) có tên tuổi như NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Thuý Ngần, NSƯT Thanh Bình, NSƯT Văn Ty, NSƯT Hạnh Nhân, Nghệ nhân Lê Cường, NSND Xuân Hoạch… Đây là lớp nghệ sĩ tài năng, họ mới có đủ khả năng tiếp quản được những tư liệu cổ mà chúng tôi truyền đạt lại, đồng thời cũng là thế hệ đầu tiên đứng ra làm mẫu cho lớp thế hệ mới. Vì vậy, họ thổi hồn vào thế hệ trẻ những nét đặc sắc, độc đáo của Âm nhạc dân gian, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn, yêu hơn và gắn bó hơn với loại hình Nghệ thuật này.
 
 
Múa diễn xướng hát Văn hầu Đồng
Múa diễn xướng hát Văn hầu Đồng
 
 
PV: Âm nhạc dân gian được người Hà Nội nói riêng và khán giả cả nước nói chung đón nhận như thế nào, thưa Giám đốc?
 
Nhạc sĩ Thao Giang: Thời gian đầu tiên trước khi biểu diễn các tiết mục Hát Xẩm ở Hàng Đào, chúng tôi vô cùng lo lắng rằng sẽ không thu hút người xem, vì theo những nhà quản lý ở phố đi bộ này thì rất nhiều loại hình đã được diễn ở đây nhưng không thành công. Tuy nhiên, ngay trong đêm biểu diễn đầu tiên ở ngã 5 Hàng Đào chúng tôi đã chinh phục được khán giả. Lượng người xem rất đông, không chỉ có những bác xe ôm, những cô lao công quét rác mà cả những bạn trẻ trong nước và du khách nước ngoài đều đắm mình trong những lời ca tiếng hát, những làn điệu đặc trưng của dân tộc Việt Nam thân quen gần gũi qua việc giới thiệu và trình diễn của chúng tôi.
 
 
Không gian văn hoá âm nhạc truyền thống
Không gian văn hoá âm nhạc truyền thống
 
 
PV: Xin nhạc sĩ cho biết, làm thế nào để những lời ca tiếng hát theo giai điệu cổ đi vào lòng người và được mọi người đón nhận một cách say mê, hào hứng?
 
Nhạc sĩ Thao Giang: Chính thế hệ nghệ sĩ trẻ tuổi của Trung tâm là một yếu tố khiến lượng khán giả đến xem càng ngày càng đông. Ngoài ra, những làn điệu, lời ca tiếng hát phải mang yếu tố thiết thực với đời sống của người dân, phải đáp ứng nhu cầu của đối tượng phục vụ, phải có tính sáng tạo, hấp dẫn và đổi mới thì mới chinh phục được con tim khán giả. Chẳng hạn, những nghệ nhân hát Xẩm một thời gian dài sống ở Hà Nội được khán giả quan tâm và yêu quý vì họ tập trung và hội tụ được tất cả những nét tinh tuý của nghệ thuật Hát Xẩm làng quê, đồng thời họ đổi mới về cấu trúc âm nhạc, về văn học. Họ ít sử dụng những lời ca cổ xưa mà đưa vào các làn điệu bằng những lời thơ của các tác giả như Nguyễn Bính, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Khuyễn, Tú Mỡ, Tú Xương.... bởi họ biết đó là những bài thơ mà lớp trẻ đã thấm nhuần từ dòng văn học đại chúng.
 
Thời gian đầu, chúng tôi biểu diễn bốn tối thứ bảy trong một tháng ở khu vực Đồng Xuân. Tuy nhiên, sau đó do lượng khán giả đến xem ngày một đông, đặc biệt là các bạn trẻ nên số buổi biểu diễn được tăng lên nhiều và các địa điểm diễn cũng đa dạng hơn. Cụ thể, tối thứ 7 diễn ở chợ Đồng Xuân; tối thứ 6 và Chủ nhật diễn ở Mã Mây, Lương Ngọc Quyến; tối thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật diễn ở Đền Bạch Mã (Hàng Buồm). Các buổi diễn đều bắt đầu từ 19h45’.  
 
 
Ngày càng nhiều thế hệ 9X tham gia nghệ thuật truyền thống
Ngày càng nhiều thế hệ 9X tham gia nghệ thuật truyền thống
 
 
PV: Thưa nhạc sĩ hiện nay còn nhiều bạn trẻ chưa hiểu hết về Âm nhạc dân gian Việt Nam. Vậy xin nhạc sĩ cho biết làm thế nào để giúp họ tăng thêm sự hiểu biết về loại hình này. Và qua đó, nhạc sĩ muốn gửi gắm thông điệp gì đến giới trẻ?
 
Nhạc sĩ Thao Giang: Không thể ép khán giả làm những điều mà họ không thích. Tuy nhiên, để giới trẻ hiểu biết hơn về dòng Âm nhạc dân gian thì cần tạo cho họ những sân chơi bổ ích, phải nuôi dưỡng tình yêu với loại hình nghệ thuật này trong con người họ. Nhằm giúp các bạn trẻ gắn bó với âm nhạc cổ truyền thống, Trung tâm luôn mở các lớp học, những câu lạc bộ miễn phí về hát Xẩm, hát Văn, hát trống quân, hát quan họ. Và chúng tôi thực sự vui mừng khi các học viên và các câu lạc bộ này đến nay đã thu hút ngày một đông đảo quần chúng tham gia, đặc biệt là giới trẻ.
 
Là một người nghệ sĩ đã gắn bó với nghề lâu năm, tôi mong rằng giới trẻ ngày nay hãy kế thừa những nét tinh tuý của dòng Nghệ thuật Âm nhạc dân gian, đồng thời phải làm mới, làm phong phú và phù hợp với nhịp sống thời đại, hãy biến nó thành dòng chảy chứ đừng thành ao tù.
 
PV:Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!
 
Mai Đan
(thực hiện)
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Âm nhạc dân gian là một dòng chảy chứ không phải ao tù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO