9 nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy KT-XH Hưng Yên phát triển

Theo Chinhphu.vn | 08/08/2020 16:55

Sáng 8/8, tại Hưng Yên, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hưng Yên về tình hình phát triển KT-XH, giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hưng Yên. Ảnh: VGP/Lê Sơn 

Giải pháp mạnh về giải ngân vốn đầu tư công của Hưng Yên

Báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết tỉnh thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh, giữ vững quốc phòng an ninh.

Tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Theo đó, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thu-chi ngân sách nhà nước, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thường xuyên tổ chức các cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo tỉnh kiểm tra, nắm tình hình và chỉ đạo tại hiện trường đối với các dự án giao kế hoạch vốn lớn, dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Đặc biệt, đối với các cơ quan, đơn vị không hoàn thành giải ngân năm 2020, đạt dưới 100% kế hoạch vốn thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án, lãnh đạo làm đầu mối, chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân dự án, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan, điều chuyển chủ đầu tư, không giao làm chủ đầu tư năm tiếp theo. Các nhà thầu không bảo đảm tiến bộ thi công, không hoàn thiện hồ sơ quyết toán thì áp dụng mức xử lý cao nhất về vi phạm hợp đồng tiến độ xây dựng, chậm thủ tục thanh toán và xem xét đánh giá năng lực nhà thầu, cung cấp lên mạng đấu thầu quốc gia.

Qua 7 tháng, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt khá. Tính đến 5/8/2020, toàn tỉnh thực hiện giải ngân được 2.760 tỷ đồng, đạt 86,6% so với kế hoạch Thủ tướng giao và đạt 54,7% kế hoạch địa phương giao.

Tự bảo đảm cân đối ngân sách thu-chi

Phát biểu kết luận sau khi nghe báo cáo của tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công và cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn, các ý kiến của thành viên Đoàn kiểm tra và các đại biểu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã đạt được kết quả tích cực trên các mặt về phát triển KT-XH, đặc biệt kết quả CCHC và giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, tỉnh Hưng Yên đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành, bảo đảm việc gắn kết chặt chẽ giữa CCHC với phát triển KT-XH nên kinh tế của tỉnh có những bước phát triển nhanh, toàn diện.

Điểm nổi bật là, từ năm 2017, Hưng Yên là một trong 16 tỉnh, thành phố trong cả nước tự cân đối thu - chi ngân sách. Tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2020 ước đạt trên 69.762 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng thu bình quân qua các năm là 16%.

Trong 7 tháng đầu năm 2020, tỉnh đã thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển KT-XH. Tình hình KT-XH đạt được những kết quả khá tích cực so với cùng kỳ năm 2019, như: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tính tăng 6,83%, đứng thứ 4 trong cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,01 %; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 5,93%; vốn đầu tư ngân sách địa phương tăng 9,29%... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch nên 7 tháng đầu năm 2020, thu ngân sách nhà nước ước đạt 8.154 tỷ đồng, giảm 2,96% so với cùng kỳ (chi ngân sách nhà nước ước đạt 8.044.738 triệu đồng, tăng 8,29%).

Công tác CCHC của tỉnh cũng đạt được nhiều kết đáng khích lệ như về cải cách thể chế, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp ban hành đảm bảo về căn cứ pháp lý, đúng thẩm quyền, nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và tình hình thực tiễn của địa phương. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã được triển khai thực hiện đồng bộ và mang lại hiệu quả tích cực, như: Triển khai thực hiện tốt công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC, mô hình Bộ phận một cửa hiện đại tới tất cả các cấp chính quyền trên địa bàn.

Đến nay, tất cả các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã được đầu tư xây dựng hệ thống mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet; Cổng Dịch vụ công tỉnh đã kết nối với trục liên thông quốc gia và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 811 TTHC). Việc xử lý hồ sơ giải quyết TTHC trên môi trường mạng được triển khai đồng bộ đến 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Xếp hạng Chỉ số CCHC của tỉnh được cải thiện, từ hạng 54 năm 2012, đến năm 2019 đã xếp hạng 22/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt mức cao so với các địa phương trong cả nước, đạt 91.03%. Việc xây dựng chính quyền điện tử Hưng Yên triển khai thực hiện tốt.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiểm tra Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hưng Yên. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tỉnh đã thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy của 9 sở, ngành (giảm 1 chi cục, 14 phòng thuộc sở, ngành và chi cục); giảm 17 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 60 khoa, phòng, đơn vị tương đương khoa, phòng và 7 trạm y tế cấp xã…giai đoạn 2015 - 2020, đã tinh giản biên chế giảm 168 biên chế công chức (đạt tỷ lệ 9.14%) và giảm 2.038 biên chế sự nghiệp (đạt tỷ lệ 9.13%).

Điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Tỉnh Hưng Yên đã rất quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình và chỉ đạo tại hiện trường các dự án đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án còn khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB (việc GPMB cao hơn mức bình quân chung của cả nước (40,5%).

Kết quả giải ngân 7 tháng đầu năm 2020 của tỉnh khá tốt, đạt 58,19% (cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 37,7%) và là một trong 4 địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân, trong đó giải ngân vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia đạt tỷ lệ cao nhất đạt 86,66% (gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước, là điểm nhấn trong công tac giải ngân của tỉnh).

Bên cạnh những kết qủa đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế mà tỉnh Hưng Yên cần sớm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, cụ thể để sớm khắc phục trong thời gian tới.

Đó là, một số dự án còn vướng mắc GPMB, dẫn đến tình trạng khiếu kiện làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kết quả giải ngân vốn của tỉnh. Thay đổi về cơ chế quản lý vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài so với nội dung các Nghị định trước đây, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh hiệp định vay, dẫn đến việc địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án.

Về công tác CCHC, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, tỷ lệ hồ sơ trong giải quyết TTHC có ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ bưu chính công ích phát sinh còn rất thấp; một số cơ quan, đơn vị, địa phương người đứng đầu chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ CCHC; vẫn còn tình trạng ban hành văn bản QPPL trái về nội dung và thẩm quyền ở một số đơn vị cấp xã.

Việc công bố, ban hành quy trình nội bộ giải quyết TTHC trên môi trường điện tử còn chậm; chưa hoàn thiện việc kết nối, tích hợp Hệ thống thông tin báo cáo của địa phương với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; chỉ triển khai liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp hành chính.

Phó Thủ tướng và đoàn công tác dâng hương Đền thờ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại Hưng Yên. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới của tỉnh Hưng Yên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, nhằm khắc phục khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế, thúc đẩy CCHC, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hưng Yên cần quyết tâm, nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Theo đó, một là, đẩy mạnh CCHC, khai thác tiềm năng, lợi thế, có giải pháp đột phá để Hưng Yên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Tỉnh phải phát huy mọi nguồn lực, sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp công nghiệp lớn trong khu vực và thế giới tới đầu tư; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ở các khu, cụm công nghiệp, tạo liên kết chuỗi sản xuất, trở thành động lực cho phát triển công nghiệp; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Hai là, gắn CCHC với việc thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, đảm bảo đúng nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC.

Ba là, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và gắn kết chặt chẽ với chính sách tinh giản biên chế; đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết công việc gắn quyền hạn với trách nhiệm trong công tác tổ chức bộ máy và cán bộ; đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và  hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo chỉ đạo tại các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bốn là, khẩn trương rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm đối với công chức; hoàn thiện và ban hành quyết định vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo đúng thời hạn quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh.

Năm là, tổ chức triển khai xây dựng chính quyền điện tử gắn kết chặt chẽ với CCHC nhằm tăng cường tính hiệu quả, bền vững. Khẩn trương rà soát, tổ chức liên thông các phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của các đơn vị trực thuộc, bảo đảm 100% kết nối, liên thông 4 cấp hành chính. Thực hiện có hiệu quả Chương trình“Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"…

Sáu là, thực hiện hiệu quả công tác đầu tư công trên địa bàn tỉnh; tránh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư công không hiệu quả, lãng phí nguồn lực; đồng thời tích cực giám sát, kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công. Phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Tiếp tục đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết ngăn chặn nhũng nhiễu, tiêu cực, không để xảy ra các “điểm nóng” trong nhân dân, tạo sự ổn định về an ninh trật tự, nhất là cho Đại hội Đảng các cấp.

Bảy là, cần phân chia các dự án đầu tư công theo tiêu chí tiến độ, theo đó nhóm 1 là các dự án đã hoàn thành, có khối lượng thì cần hoàn tất thủ tục thanh toán, quyết toán. Nhóm 2 là những dự án có khả năng hoàn thành nhưng còn vướng mắc thì chỉ rõ vướng mắc ở khâu nào, thẩm quyền của ai để tập trung giải quyết. Nhóm những dự án khó có khả năng hoàn thành hoặc tiến độ quá chậm, vướng mắc về mặt bằng, thủ tục...thì kiên quyết điều chuyển vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành, tạo hiệu quả, sức lan tỏa đối với phát triển KT-XH.

Tám là, rà soát và chủ động điều chuyển nguồn vốn đầu tư công từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân cao, nhu cầu vốn lớn theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, cơ quan Trung ương.

Chín là, người đứng đầu chính quyền các cấp tích cực chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA theo quy định tại Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Về một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hưng Yên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tạo điều kiện cho tỉnh Hưng Yên phát triển nhanh và bền vững.

Phó Thủ tướng và đoàn công tác dâng hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Quảng trường Nguyễn Văn Linh. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Thường trực mong muốn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm hơn nữa thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển KT-XH, làm nền tảng quan trọng cho tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, xứng đáng với tâm nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lúc sinh thời “Xây dựng tỉnh nhà mọi mặt thật tốt, đưa Hưng Yên trở thành một tỉnh mạnh của toàn quốc Việt Nam”. Điều này cũng là thể hiện tấm lòng của nhân dân đối với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người con tiêu biểu của đất Hưng Yên và dân tộc Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như câu đối mà GS Vũ Khiêu đã viết: “Chí mạnh, tâm hùng, chỉ đạo nhân dân cùng đổi mới/Hương bay, khói toả, nhớ ơn lãnh tụ đã nhìn xa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
9 nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy KT-XH Hưng Yên phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO