Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Phát biểu tại hội thảo về vai trò của giám sát và đánh giá trong chiến lược phòng chống bệnh ung thư diễn ra tại Hà Nội sáng 12/12, PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bênh, Bộ Y tế cho biết, như các nước trong khu vực, Việt Nam đang đối mặt mô hình bệnh tật kép: bệnh lây nhiễm, mới nổi và bệnh không lây nhiễm, trong đó ung thư đang là vấn đề báo động ở Việt Nam. Nguyên nhân có thể do biến đổi khí hậu, lối sống thay đổi, ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm, tiến bộ khoa kỹ thuật giúp phát hiện sớm bệnh, người dân có ý thức đi khám hơn.
Theo đó, mỗi năm Việt Nam có 150.000 ca mắc mới, khoảng 70.000 người tử vong; số ca mắc có xu hướng gia tăng. Cụ thể, theo số liệu điều tra năm 2010, ung thư phổi đang đứng ở vị trí số 1 trong 10 loại ung thư phổ biến ở nam giới, với hơn 14.600 ca mắc. Con số này vào năm 2020 dự đoán sẽ là gần 23.000, tăng gấp rưỡi. Tương tự năm 2010, nước ta có hơn 12.500 ca ung thư vú thì đến năm 2020 ước tính sẽ vọt lên hơn 22.600 ca (đây là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới nước ta).
Cụ thể, 80% ung thư có liên quan đến môi trường sống hàng ngày, bao gồm lối sống thiếu khoa học, các thói quen sinh hoạt, tật xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và không an toàn. Nhiều bệnh ung thư có thể ngăn ngừa bằng cách tránh tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố nguy cơ cao, chẳng hạn như khói thuốc lá, một số hóa chất độc hại. Hơn 30% các ca tử vong do ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách thực hiện các lối sống lành mạnh (đặc biệt là không sử dụng thuốc lá) hoặc bằng tiêm chủng để phòng các ung thư gây ra do các nhiễm trùng (như HBV, HPV).
Theo nongnghiep