Bất động sản

6 thách thức của thị trường BĐS năm 2024

Thùy Linh 03/10/2023 - 11:36

(TN&MT) - Trong gần hai năm qua, thị trường bất động sản (BĐS) đã xuất hiện những nút thắt lớn khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi dự án đình trệ, dòng tiền tắc nghẽn và áp lực trả nợ đè nặng. Dự báo, năm 2024, thị trường BĐS sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức và khả năng phục hồi rất chậm.

Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tới Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, thể chế, quy hoạch, pháp lý cho các dự án BĐS… Tuy nhiên, các chính sách thường có độ trễ nhất định, cần thời gian và rất nhiều nỗ lực trong quá trình thực thi mới có thể thẩm thấu. Theo các chuyên gia kinh tế, sang năm 2024, thị trường vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đánh giá, nền kinh tế đang giảm đà tăng trưởng; lạm phát cao, rủi ro tài chính - tiền tệ liên quan đến tỷ giá, chứng khoán trở nên nhạy cảm hơn so với trước. Tín dụng tăng chậm chứng tỏ sức cầu đang yếu, không đủ khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng dẫn đến tín dụng suy giảm. Đầu tư công tăng trưởng tốt nhưng rõ ràng chưa có yếu tố đột phá. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt câu chuyện tái cơ cấu (pháp lý, tài chính, nhân sự, đơn hàng…). Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng gặp nhiều thách thức.

z4746988374429_7642a255c5c8ccc081c99da699d0c07f.jpg
Thị trường BĐS có khả năng sẽ phục hồi chậm vào năm 2024

Thị trường trái phiếu, BĐS đang dần phục hồi nhưng cần thời gian và không thể phục hồi nhanh, đặc biệt, niềm tin của nhà đầu tư hồi phục còn chậm mà đây là yếu tố quan trọng. Về vấn đề thể chế, mặc dù các cấp, ngành đang tích cực triển khai các biện pháp tháo gỡ nhưng quá trình cải cách thể chế vẫn còn chậm so với nhu cầu do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm còn khá phổ biến. Đây thực sự là thách thức đối với thị trường BĐS trong những năm tới.

“Thị trường BĐS cũng như các thị trường khác cần được kiến tạo để phát triển nhưng vẫn cần kiểm soát rủi ro. Vì vậy, chúng ta cần chú trọng điều tiết cung - cầu, giá cả, cần sớm giải quyết dứt điểm những vụ việc vướng mắc, vi phạm pháp lý còn tồn đọng để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư; thực hiện tốt các cơ chế chính sách, nghị quyết đã ban hành trong thời gian vừa qua” - ông Lực nhấn mạnh.

Hiện nay, ách tắc lớn nhất của thị trường BĐS vẫn nằm ở quy hoạch và hệ thống pháp luật. Trong quá trình chờ đợi các quy định pháp luật có hiệu lực, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét đẩy nhanh các nghị định, quy trình, thủ tục hành chính để hỗ trợ thủ tục đầu tư được nhanh chóng, giải quyết vướng mắc, thực sự tháo gỡ khó khăn cho các dự án mới để đưa vào thị trường, từ đó tăng nguồn cung. Nguồn cung dồi dào sẽ tăng giao dịch, tăng mua bán cho thị trường BĐS.

Trả lời báo chí bên lề diễn đàn BĐS mùa thu vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, lĩnh vực BĐS là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, liên quan mật thiết đến nhiều ngành, nghề khác như xây dựng, tài chính, du lịch, vật liệu xây dựng… Vấn đề nội tại của thị trường BĐS chính là ở chỗ hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS vẫn còn một số tồn tại, bất cập: chưa đồng bộ, chưa theo kịp thực tế, thủ tục chưa đơn giản hóa, chưa liên thông các cơ quan quản lý, chồng chéo nhau…Dẫn đến, các dự án bị ách tắc, nguồn cung suy giảm, sức cầu yếu…

“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến 3 vấn đề chính của thị trường BĐS là cơ chế chính sách, tiếp cận nguồn vốn và việc thực thi của cơ quan quản lý. Đây là 3 vấn đề ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thị trường” - ông Hải nói.

Bộ Xây dựng đã nắm bắt và tháo gỡ dần vướng mắc về thể chế, pháp luật. Trong đó, liên quan đến pháp luật về đất đai như khó khăn về phát triển nhà ở xã hội; quỹ đất, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, đấu giá đất... Ngoài ra còn vướng mắc pháp luật về quy hoạch như quy hoạch chi tiết không phù hợp với quy hoạch cấp trên, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chung... Liên quan đến pháp luật về đầu tư, việc thẩm định, chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án; việc không cho phép chấp thuận chủ trương đồng thời lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại khi nhà đầu tư đã có quyền sử dụng “đất khác” nhưng không phải đất ở...

Đặc biệt, về nguồn vốn, về trái phiếu hiện có hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu đã phát hành và cần trả nợ cuối năm nay. Cuối cùng là một số thông tin không chính xác về tài chính, tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu tràn lan dẫn đến tâm lý người dân e ngại nghe ngóng, chuyển sang kênh đầu tư khác, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS. Vì vậy, sau khi nhận diện được các vấn đề, Chính phủ đã có Nghị quyết 33 như “cẩm nang cầm tay chỉ việc” cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý để tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường lành mạnh, an toàn.

Hiện, Chính phủ đã dự thảo trình Quốc hội Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi... Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 về chào bán trái phiếu, Nghị định 10 về cấp sổ hồng cho condotel. Trong thẩm quyền các bộ, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03; Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành loạt văn bản, đã giảm lãi suất 4 lần; Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ra Thông tư 02 liên quan đến chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Với nỗ lực này, hy vọng thời gian tới, thị trường BĐS sẽ được tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
6 thách thức của thị trường BĐS năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO