5 nước hạ lưu sông Mê Kông: Xây dựng hướng dẫn về tham gia cộng đồng trong ĐTM

11/10/2016 00:00

(TN&MT) - Các nước khu vực sông Mê Kông đã thành lập nhóm xây dựng Dự thảo Hướng dẫn khu vực về tham gia cộng đồng trong ĐTM (WRTG). Sau hơn 1 năm xây dựng, mới...

(TN&MT) - Trong bối cảnh tác động bất lợi về môi trường xuyên biên giới đang có chiều hướng gia tăng, rất cần mở rộng sự tham gia của cộng đồng trong ĐTM ngoài tầm biên giới quốc gia. Vì vậy, các nước khu vực sông Mê kông đã thành lập nhóm xây dựng Dự thảo Hướng dẫn khu vực về tham gia cộng đồng trong ĐTM (WRTG). Sau hơn 1 năm xây dựng, mới đây bản dự thảo này đã được đưa ra tham vấn tại Hà Nội.
 
Cộng đồng tham gia giúp tăng hiệu quả đánh giá ĐTM ngoài tầm biên giới quốc gia. Ảnh: MH
Cộng đồng tham gia giúp tăng hiệu quả đánh giá ĐTM ngoài tầm biên giới quốc gia. Ảnh: MH
 
Cộng đồng tham gia - tăng hiệu quả quy trình ĐTM
 
Mặc dù thủ tục ĐTM đều đã được quy định tại tất cả các nước khu vực sông Mê kông như: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam song vẫn còn nhiều hạn chế quan trọng về thực hiện ĐTM một cách có hiệu quả. Những hạn chế này bao gồm nhiều yếu tố, như chất lượng tổng thể của các đánh giá, cân nhắc về các phương án thay thế, giám sát và tuân thủ, sự tham gia có ý nghĩa của các bên liên quan... Những thách thức này dẫn tới tồn tại nhiều dự án yếu kém với nhiều tác động bất lợi không mong muốn; bị chậm tiến độ và có xung đột với cộng đồng, dẫn tới tăng chi phí cho chủ dự án; và làm suy giảm phát triển bền vững về lâu dài trong khu vực. 
 
Vì vậy, gần đây ĐTM đã trở thành một vấn đề được nhiều chính phủ, tổ chức xã hội dân sự, và khu vực doanh nghiệp tư nhân cùng quan tâm. Tuy vậy, một hạn chế lớn trong quy trình ĐTM hiện nay chính là chưa có sự tham gia hiệu quả của các bên liên quan trong quá trình ĐTM, đồng thời, đây cũng được xem là một cơ chế quan trọng góp phần giải quyết chính những thách thức nêu trên.
 
 Theo các nhà khoa học, huy động sự tham gia của các bên liên quan trong quy trình ĐTM,  đặc biệt là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của dự án phát triển sẽ làm tăng hiệu quả của quy trình ĐTM; sự tham gia của công chúng là nền móng thiết lập các mối quan hệ vững mạnh, hiệu quả và có ý nghĩa xây dựng, rất cần thiết để quản lý thành công những tác động môi trường và xã hội của dự án. Đặc biệt, trong bối cảnh, tác động bất lợi về môi trường xuyên biên giới đang có chiều hướng gia tăng rất cần mở rộng tham gia của cộng đồng trong ĐTM ngoài tầm biên giới quốc gia.
 
Hiện, luật pháp quốc tế cũng quy định tất cả các nước đều có nghĩa vụ thực hiện đánh giá tác động môi trường khi có nguy cơ được đề xuất gây tác động bất lợi nghiêm trọng trong bối cảnh xuyên biên giới, đặc biệt đến tài nguyên chung. Tòa án Công lý Quốc tế công nhận mở rộng nguyên tắc này thành yêu cầu các quy trình ĐTM phải huy động sự tham gia của các nước láng giềng bị ảnh hưởng. Tuy vậy, trong khu vực sông Mê Kông, cũng như ASEAN chưa có khung pháp lý của khu vực về Tham gia của cộng đồng xuyên biên giới trong ĐTM cho các dự án được đề xuất có các tác động xuyên biên giới.
 
Trước thực trạng đó, năm 2015, 5 nước hạ nguồn sông Mê Kông đã thành lập Nhóm công tác kỹ thuật để xây dựng Dự thảo Hướng dẫn Khu vực về tham gia cộng đồng trong Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) gồm 25 thành viên. Với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hỗ trợ quốc tế Hoa Kỳ (USAID), PACT... trong khuôn khổ Dự án Hợp tác môi trường tiểu vùng sông Mê Kông, sau gần 2 năm, Nhóm này đã xây dựng Dự thảo Hướng dẫn của khu vực về Tham gia của cộng đồng trong Đánh giá tác động môi trường.
 
Góp ý cho dự thảo 
 
Mới đây, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo "Tham vấn quốc gia Dự thảo Hướng dẫn của khu vực về Tham gia của cộng đồng trong Đánh giá tác động môi trường" với hơn 50 đại diện đến từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cơ quan chính phủ tham dự. Đây là buổi tham vấn đầu tiên trong chuỗi sự kiện tham vấn tháng 10 được tổ chức tại 5 nước tiểu vùng sông Mê Kông. Ngoài tham vấn trực tiếp, dự thảo Hướng dẫn cũng được công khai trên website Mê Kôngcitizen.org/EIA để lấy ý kiến rộng rãi đến hết 31/10. 
 
Tại buổi tham vấn, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục môi trường (đơn vị đại diện cơ quan Chính phủ tham gia nhóm công tác khu vực) nhấn mạnh, tham vấn cộng đồng là một phần không thể thiếu trong ĐTM. Việc thực hiện tốt công việc này sẽ góp phần hạn chế những tác động bất lợi cho xã hội và môi trường và những xung đột với cộng đồng. Hướng dẫn được soạn thảo dựa trên kết quả phân tích các văn bản luật, quy định, chính sách, và hướng dẫn hiện hành ở khu vực sông Mê Kông và có mục đích góp phần vào nỗ lực chung của khu vực trong việc hài hòa hóa các chính sách và thực hành ở những nội dung tương đồng song vẫn tôn trọng những khác biệt đặc thù.
 
Góp ý cho bản Dự thảo, ông Trần Miên, nguyên Trưởng ban Môi trường Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng, nên quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện ĐTM vì doanh nghiệp thường chỉ đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Theo ông Miên, tham vấn cộng đồng hiện nay đơn thuần chỉ là một biên bản lấy ý kiến cộng đồng, do đó, cần làm rõ thế nào là tham gia hiệu quả, thực chất.
 
Các đại biểu cũng chỉ ra rằng, Nhóm WRTG cần nêu cụ thể hơn về các đối tượng bị ảnh hưởng; tập trung vào các nhóm cộng đồng có điều kiện thiệt thòi như người dân tộc thiểu số; nâng cao tính hiệu quả, tránh hình thức; chú ý đến yếu tố văn hóa; bổ sung trách nhiệm giải trình của các bên liên quan. Hướng dẫn khi đưa vào thực tiễn cần triển khai các hoạt động tham gia của cộng đồng một cách có ý nghĩa, nâng cao hiệu quả quá trình ĐTM, đồng thời giảm rủi ro cho các bên liên quan; cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, hướng tới phát triển bền vững.
 
Nhiều ý kiến đánh giá, Hướng dẫn này là cách tiếp cận “thực hành tốt” cấp khu vực đối với tham gia cộng đồng trong ĐTM và được kỳ vọng sẽ bổ khuyết cho những quy định liên quan trong hệ thống luật pháp và chính sách của các quốc gia đã có hướng dẫn chi tiết hơn về “cách thực hiện”.
 
 
Dự thảo gồm 11 Chương, đề cập đến mục đích và các khái niệm về sự tham gia của cộng đồng trong ĐTM (Chương 1 đến Chương 4), sàng lọc và xác định phạm vi thực hiện (Chương 5 đến Chương 7), điều tra và lập Báo cáo ĐTM (Chương 8), thẩm định và quyết định về Báo cáo ĐTM (Chương 9 - 10), quan trắc quản lý đánh giá tác động môi trường, thực thi, tuân thủ và giám sát (Chương 11).
 
 
Mai Chi
 
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 nước hạ lưu sông Mê Kông: Xây dựng hướng dẫn về tham gia cộng đồng trong ĐTM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO