5.625 ngày án oan và hành trình đi đòi công lý của bà chủ ghe

08/09/2013 00:00

(TN&MT) - Cuối cùng, TAND tối cao cũng đã minh oan cho bà nhưng oan án cũng đã đè nặng lên đôi vai bà Lang tới 5.625 ngày.

(TN&MT) - Tháng 1.1994, gặp trận bão, chiếc ghe của bà Nguyễn Thị Lang chuyên đi đánh bắt xa bờ, bị chìm ngoài biển. “Họa vô đơn chí”, các chủ nợ xúm vào đòi tiền. Thế rồi, trong khi chưa kịp trả nợ, từ lời tố cáo vu vơ của chủ nợ, công an đã “hình sự hóa một quan hệ dân sự”, bắt giam bà Lang khiến bà tán gia bại sản. Cuối cùng, TAND tối cao cũng minh oan cho bà nhưng oan án cũng đã đè nặng lên đôi vai bà Lang tới 5.625 ngày. Thế nhưng, cơ quan làm oan cũng chỉ bồi thường về tinh thần, “lơ” luôn khoản bồi thường vật chất, khiến gần 20 năm qua, bà Lang vẫn mỏi mòn đi đòi công lý.
   
Cuối cùng, TAND tối cao cũng minh oan cho bà nhưng oan án cũng đã đè nặng lên đôi vai bà Lang
tới 5.625 ngày
   
Hình sự hóa quan hệ dân sự
   
  Tháng 1.1994, chiếc ghe biển số BV 9379TS của bà Nguyễn Thị Lang (441/37/20B Trần Phú, phường 6, TP Vũng Tàu, tỉnh BRVT) đang đi đánh bắt xa bờ, gặp bão nên bị chìm ngoài biển. Ngoài ra, bà còn một chiếc ghe khác mang biển số BV 9378TS. Trị giá tài sản hai chiếc ghe khoảng hơn 400 triệu đồng vào thời điểm này. Trước đó, bà có mua bảo hiểm cho hai chiếc ghe của mình ở Công ty Bảo Việt tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT).
   
  Trong quá trình làm ăn, bà Lang thường mua nợ dầu chạy máy, nước đá, ngư lưới cụ… của một số bạn hàng khoảng 52 triệu đồng. Đây là quan hệ dân sự hết sức bình thường nhưng khi thấy ghe của bà bị chìm, năm chủ nợ xúm vào đòi. Do hoàn cảnh khi đó quá khó khăn nên bà Lang chưa trả được nợ. Thấy vậy, các chủ nợ liền gửi đơn tố cáo đến Công an tỉnh BRVT.
   
  Tháng 8.1994, Công an tỉnh BRVT ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can với bà Lang về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân” theo Điều 158 Bộ luật Hình sự 1985 (BLHS). Ngày 6.9.1994, Công an tỉnh BRVT bắt tạm giam bà Lang. Đến ngày 8.11.1994, nơi này ra quyết định cho bà Lang được tại ngoại. Tất cả lệnh khởi tố, bắt giam đều có phê chuẩn của VKS tỉnh. Tính ra, bà Lang bị tạm giam 63 ngày.
   
  Tháng 4.1995, Công an tỉnh BRVT có quyết định tạm đình chỉ điều tra để tạo điều kiện cho bà Lang trả nợ. Tháng 12.1996, Công an tỉnh BRVT ra quyết định đình chỉ điều tra sau khi thống nhất với VKS tỉnh do các bị hại có đơn bãi nại và thấy không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
   
  Ra tù, phần thì phải lo bươn chải nuôi bảy đứa con, phần thì lúc đó luật pháp chưa có quy định bồi thường cho người bị oan nên bà Lang “cắn răng” cam chịu. Thế rồi, năm 2003, khi Nghị quyết 388 ngày 17.3.2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nay nâng cấp thành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước) ra đời, quy định về bồi thường cho người bị oan, bà Lang liền có đơn khiếu nại yêu cầu Công an tỉnh, VKS tỉnh BRVT phải bồi thường vì đã bắt oan bà.
   
  Tháng 4.2005, Công an tỉnh trả lời khiếu nại, hướng dẫn bà Lang gởi đơn đến VKS tỉnh đòi bồi thường. Tháng 9.2005, VKS tỉnh ra văn bản “phủi tay”, cho rằng bà Lang không thuộc diện được bồi thường theo Nghị quyết 388.
   
  Tức mình, tháng 10.2005, bà Lang khởi kiện ra TAND thành phố Vũng Tàu yêu cầu VKS tỉnh phải bồi thường. Thế nhưng, tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì cho rằng bà Lang chưa đủ điều kiện khởi kiện.
   
  Tháng 4.2006, bà Lang kháng cáo quyết định này. Tháng 5.2006, TAND tỉnh lại một lần nữa bác kháng cáo của bà. Bức xúc, bà Lang lại làm đơn xin khiếu nại giám đốc thẩm.
   
  Đúng ba năm sau, tháng 5.2009, Chánh án TAND tối cao có kháng nghị yêu cầu Tòa Dân sự TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm. Thế rồi, tháng 11.2009, TAND tối cao xử giám đốc thẩm, tuyên hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm và giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố Vũng Tàu xử sơ thẩm lại.
   
  Bản án giám đốc thẩm phân tích rõ: “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân được quy định tại Điều 158 BLHS 1985 không thuộc trường hợp khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo yêu cầu của người bị hại. Quan hệ của bà Lang với các chủ nợ là quan hệ dân sự. Việc công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại và ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam… với bà Lang là không đúng pháp luật. Như vậy bà Lang bị khởi tố oan. VKS tỉnh phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với bà Lang nên phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị oan. Tòa cấp sơ và phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại cho người bị oan cũng là không đúng”.
   
Mới được nửa đường công lý
   
  Đến đây, tưởng rằng công lý đã mỉm cười với bà Lang sau bao ngày khó nhọc đi khiếu nại. Thế nhưng, đúng một năm sau, tháng 11.2010, khi xử sơ thẩm, TAND thành phố Vũng Tàu yêu cầu VKS tỉnh phải bồi thường về tinh thần cho bà Lang 5.625 ngày bị oan (gồm 63 ngày bị tạm giam oan và hơn 15 năm tại ngoại oan) với số tiền chỉ hơn 226 triệu đồng. Còn những yêu cầu đòi bồi thường về vật chất, như: 212 triệu đồng tiền thuê nhà ở trong 16 năm bị oan thì tòa cho rằng “không có văn bản nào thể hiện việc kê biên, phong tỏa, phát mãi nhà của gia đình bà Lang dẫn tới việc bà Lang bị ép buộc bán nhà, không có nhà để ở và phải đi thuê”. Cạnh đó, với yêu cầu của bà Lang về bồi thường chi phí đánh máy, đơn từ, chi phí đi lại… với số tiền 50 triệu đồng, tòa nhận định “Nghị quyết 388 chưa quy định về vấn đề thiệt hại này nên không có cơ sở xem xét, dành quyền khởi kiện cho bà Lang bằng một vụ án khác khi có quy định mới”. Đồng thời, với yêu cầu đòi bồi thường 80 triệu đồng cho hai tháng bị giam khiến ghe ngừng hoạt động, tòa chỉ chấp nhận có phân nửa vì tòa phán: “Năm 1994, mỗi tháng ngư dân có tàu đánh cá đi biển được hai chuyến, mỗi chuyến có lãi khoảng 10 triệu. Như vậy bà Lang bị tạm giam hai tháng, mất bốn chuyến là 40 triệu đồng”. Việc bà Lang yêu cầu VKS tỉnh phải bồi thường 7 lượng vàng do ép bà bán chiếc ghe còn lại để trả nợ, thay vì bán 42 lượng khiến bà chỉ bán được 35 lượng, tòa cho rằng “VKS tỉnh không tiến hành các thủ tục liên quan tới việc bán ghe của bà Lang, tại tòa bà cũng không có chứng cứ cho yêu cầu này nên tòa không chấp nhận”…
   
Tại sao công an, VKS phê chuẩn bắt giam tôi trái pháp luật, gây thiệt hại tài sản của tôi mà tòa
không buộc bồi thường? Vậy công lý ở đâu?”, bà Lang đặt câu hỏi.
    
   
  Không đồng tình, bà Lang kháng cáo. Sau đó, tháng 3.2011, TAND tỉnh xử phúc thẩm cũng y như trên. Tức mình, từ đó đến nay, gần ba năm qua, bà Lang liên tục khiếu nại lên TAND tối cao xin được giám đốc thẩm.
   
  “Trước áp lực nợ nần, tôi rao bán chiếc ghe còn lại với giá 42 lượng vàng, có người đồng ý mua và tôi đã nhận cọc hai chỉ vàng. Thế mà, công an, VKS bắt giam oan lại còn gây áp lực phát mãi trả nợ khiến chiếc ghe bị mất giá trị, từ 42 lượng chỉ còn 35 lượng vàng mà tôi còn mất thêm 4 chỉ trả cọc gấp đôi”, bà Lang than.
  “Tôi rất cám ơn TAND tối cao đã minh oan, trả lại công bằng cho tôi. Thế nhưng, mấu chốt vấn đề tôi bị khởi tố, bắt giam oan do lỗi từ việc công an, VKS lạm dụng chức vụ quyền hạn xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng của tôi. Chuyện này gây ra nhiều thiệt hại, đẩy tôi vào cảnh phá sản, gia đình tôi phải ly tán suốt 16 năm, tôi phải mang nỗi oan đi tìm công lý”, bà Lang ngậm ngùi.
   
  “Các cấp tòa tỉnh BRVT không làm rõ những vấn đề này mà bác yêu cầu đòi bồi thường vật chất của tôi là trái quy định pháp luật. Không thể cho rằng việc làm thiệt hại tài sản của gia đình tôi là do tôi tự gây ra. Tại sao công an, VKS phê chuẩn bắt giam tôi trái pháp luật, gây thiệt hại tài sản của tôi mà tòa không buộc bồi thường? Vậy công lý ở đâu?”, bà Lang đặt câu hỏi.
   
  Tục ngữ có câu “một nửa chiếc bánh mì thì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không bao giờ là sự thật”, quả đúng với nỗi oan khiên của bà Lang…
   
  Bài & ảnh: Vĩnh Yên
   
   
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5.625 ngày án oan và hành trình đi đòi công lý của bà chủ ghe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO