10 sự kiện nổi bật trong hoạt động tư pháp năm 2017

07/01/2018 13:17

(TN&MT) - Bộ Tư Pháp vừa công bố 10 sự kiện nổi bật của Ngành Tư Pháp trong năm 2017.

(TN&MT) - Bộ Tư Pháp vừa công bố 10 sự kiện nổi bật của Ngành Tư Pháp trong năm 2017.

1. Triển khai Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 và mở rộng Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch đạt nhiều kết quả quan trọng, kịp thời phục vụ nhân dân. Đến nay, toàn Ngành đã mở rộng triển khai phần mềm đăng ký khai sinh tại 17 tỉnh/thành phố; triển khai phần mềm đăng ký hộ tịch (phiên bản đầy đủ) tại 15 tỉnh/thành phố; việc đăng ký hộ tịch tại các cơ quan có thẩm quyền đã có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện đăng ký khai sinh mới cho gần 2 triệu trường hợp, đăng ký khai sinh lại cho hơn 750 nghìn trường hợp (tăng tới 38,3% so với năm 2016); đăng ký kết hôn cho hơn 700 nghìn cặp vợ chồng...

2. Luật Trợ giúp pháp lý lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp làm trung tâm; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mở rộng phạm vi, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ

Năm 2017, Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối (100% đại biểu có mặt tán thành đối với Luật trợ giúp pháp lý, hơn 99% đối với Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước). 

3. Chấm dứt nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Đặc biệt, các Bộ, cơ quan đã xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 37 Nghị định và 03 Quyết định, hoàn thành 100%  số văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực trong năm.
1
Tòa nhà Bộ Tư Pháp

4. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông - Những giá trị lịch sử và đương đại” tại Thanh Hóa nhân kỷ niệm 520 năm ngày mất của nhà Vua. 

5. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay về việc và về tiền thi hành án. Số việc và tiền thụ lý tăng (5,57% về việc và 19,67% về tiền tương đương gần 173 nghìn tỷ đồng) song Hệ thống Thi hành án dân sự đã thi hành xong số việc, số tiền cao nhất từ trước đến nay, cao hơn so với năm 2016 là hơn 19 nghìn việc và 6 nghìn tỷ đồng. 

6. Kỷ niệm Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm hợp tác tư pháp Việt Lào tại Viêng Chăn; trình phê duyệt Dự án viện trợ đầu tiên trong lĩnh vực pháp luật của Chính phủ Việt Nam cho Bộ Tư pháp Lào; nhiều hoạt động hợp tác với các địa phương có chung đường biên giới đã được các Sở Tư pháp tổ chức một cách thiết thực, hiệu quả... Với Campuchia, năm 2017 đánh dấu việc hai Bộ Tư pháp tổ chức thành công Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất tại Tây Ninh với sự tham gia của nhiều bộ, ngành và hơn 20 tỉnh vùng biên giới của hai nước. Với Trung quốc, nhiều định hướng hợp tác về pháp luật đã được thảo luận tại cấp Lãnh đạo của hai Bộ Tư pháp trong chuyến thăm và làm việc chính thức của Bộ Tư pháp Việt Nam tại Trung quốc năm 2017.

7. Vận hành phần mềm đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản đạt mức độ cao nhất về dịch vụ công trực tuyến, góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Với nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm nêu trên, năm 2017, các Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản thuộc Bộ đã giải quyết gần một triệu đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin và văn bản thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông (tăng 27% so với năm 2016), trong đó, số đơn đăng ký trực tuyến chiếm hơn 50%. Những kết quả nêu trên đã góp phần cải thiện đáng kể chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam, lên đến vị trí thứ 29/190 quốc gia (theo công bố xếp hạng Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng thế giới).

8. Trường Đại học Luật Hà Nội đã tuyển sinh và tổ chức nhập học cho khoảng 3.000 sinh viên chính quy, hơn 500 sinh viên hệ vừa học vừa làm, và hơn 500 học viên cao học, nghiên cứu sinh; Học viện Tư pháp tuyển sinh hơn 4.000 học viên. Học viện Tư pháp, các Trường trung câp Luật thuộc Bộ đã thúc đẩy mạnh mẽ việc phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các địa phương tổ chức nhiều khóa đào tạo các chức danh tư pháp, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành cho cán bộ tư pháp cơ sở.

9. Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành thực hiện pháp điển xong đối với 67/265 đề mục, hướng tới mục tiêu “về đích sớm” trong việc xây dựng Bộ pháp điển so với lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Gần hai nghìn văn bản trên tổng số khoảng mười nghìn văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương đã được rà soát, làm “sạch” và tập hợp, sắp xếp vào Bộ pháp điển, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật. 

10. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cùng tổ chức pháp chế các Bộ, ngành đã rà soát tổng thể các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành; qua đó đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung 16 Luật trong các lĩnh vực này. 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 sự kiện nổi bật trong hoạt động tư pháp năm 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO