10 nơi ô nhiễm nhất trên thế giới

22/08/2015 00:00

(TN&MT) - Một số người có thể không đồng ý rằng thế giới đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhưng có một điều chắc chắn rằng ô nhiễm hiện đang tồn...

(TN&MT) – Ngày nay, việc đáp ứng như cầu cho người dân từ thực phẩm đến xăng xe là rất cần thiết. Tuy nhiên trong tình trạng mọi thứ đều sẵn có như hiện nay thì những gì chúng ta có bây giờ có thể dễ dàng thay thế và những đồ dùng cũ kỹ có thể được ném thẳng vào thùng rác.
 
Khi mọi thứ trở nên cũ, người ta sẽ mua đồ mới, vì thế các nhà máy đua nhau sản xuất. Đối với mỗi sản phẩm được thực hiện, luôn có rác thải xả ra hố, sông ngòi và không khí, gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới sức khỏe.
 
Một số người có thể không đồng ý rằng thế giới đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhưng có một điều chắc chắn rằng ô nhiễm hiện đang tồn tại. Dưới đây là những nơi đang “kêu cứu” trên thế giới vì tình trạng “không lành mạnh”. 
 
Thành phố Addis Ababa, Ethiopia
 
 
Do đô thị hóa và sự gia tăng dân số, thành phố Addis Ababa phải đấu tranh với nguồn cung cấp dịch vụ nước ngọt và vệ sinh môi trường hạn chế. Nguồn nước ngầm chủ yếu được thành phố sử dụng đang bị ô nhiễm bởi các chất thải rắn và lỏng từ các khu công nghiệp và đô thị. 
 
Mumbai, Ấn Độ
 
Là thành phố đông dân thứ tám trên thế giới, Mumbai có dân số khoảng 12,7 triệu người. Đường giao thông phục vụ hơn 700.000 phương tiện cá nhân đang hàng ngày gây ra ùn tắc giao thông cũng như ô nhiễm không khí và tiếng ồn nghiêm trọng. 
 
Kể từ khi lệnh cấm xăng pha chì bắt đầu hai thập kỷ trước đây, mức độ ô nhiễm không khí đã giảm. Tuy nhiên, các oxit nitơ vẫn ở mức cao trong thành phố, gây sương mù và mưa axit.
 
New Delhi, Ấn Độ
 
Ô nhiễm không khí ở New Delhi gây ra phần lớn các ca tử vong sớm nghiêm trọng mỗi năm. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2014, New Delhi “đánh bại” các thành phố còn lại trong tổng số 1.600 thành phố trên khắp thế giới với nồng độ ô nhiễm không khí cao hơn gấp 10 lần so với các tiêu chuẩn cho phép.
 
Thành phố Mexico, Mexico
 
Từ những năm 1980, thành phố Mexico luôn được biết đến là nơi có chất lượng không khí tồi tệ nhất trên thế giới. Việc hít thở không khí ở đó thậm chí còn được so sánh với việc hút hai gói thuốc lá mỗi ngày. Trong những năm 90, Liên Hợp Quốc đã trích dẫn Mexico City là thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất trên thế giới, có thể giết chết hàng loạt loài chim.
 
Ngày nay, một số chất đã giảm nồng độ ô nhiễm như Cacbon mônôxít (CO), sulfur dioxide (SO2) và nitrogen dioxide (NO2). Nồng độ hiện tại của các chất ô nhiễm ở thành phố Mexico được cho là tương đương với Los Angeles, nhưng “trận đấu” vẫn tiếp tục, đặc biệt là nồng độ ozone của thành phố.
 
Thủ đô Port au Prince của Haiti
 
Do lưới điện không đáng tin cậy, người dân thủ đô Port-au-Prince sử dụng máy phát điện diesel như một sự thay thế cũng như sử dụng than và rác hữu cơ để nấu ăn. Những yếu tố này đã góp phần làm gia tăng ô nhiễm không khí, gia tăng việc đốt rác hàng ngày và tắc nghẽn giao thông.
 
Norilsk, Nga
 
Norilsk là khu vực có hoạt động nấu chảy kim loại nặng lớn nhất thế giới, nơi thải 4 triệu tấn cadmium, đồng, chì, niken, asen, selen và kẽm vào không khí mỗi năm. Tình trạng ô nhiễm của thành phố gây ra các căn bệnh nguy hiểm ở người dân như bệnh ung thư, bệnh phổi, rối loạn máu và da, thậm chí cả bệnh trầm cảm. Ở nơi đây, thảm thực vật cũng không thể tồn tại, hoa quả và nấm rất độc do lượng SO2 cao trong không khí.
 
Dhaka ở Bangladesh
 
Dhaka có đến 95% các xưởng thuộc da có đăng ký hoạt động ở khu vực Hazaribag. Các xưởng thuộc da sử dụng các phương pháp xử lý cũ kỹ, lỗi thời và kém hiệu quả đã thải ra 22.000 lít khối rác thải độc hại mỗi ngày. Một trong những chất độc này là hexavalent chromium, chất gây ung thư. Các con suối, kênh, rạch bị ô nhiễm gây ra tỷ lệ mắc các bệnh về da và hô hấp ngày càng cao.
 
Thành phố Karachi, Pakistan
 
Karachi, thành phố lớn nhất của Pakistan có dân số bùng nổ từ khoảng 2 triệu người trong năm 1960 tăng đến 22 triệu người hiện nay. Do chất thải xả ra hàng ngày từ người dân và hàng ngàn sản phẩm thải ra từ dệt may, nhựa, da, và các nhà máy hóa chất, Karachi đã trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. 8.000 tấn chất thải rắn được đổ vào biển Ả Rập mỗi ngày làm suy giảm cuộc sống đại dương và gây ra các bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở khu vực cảng.
 
Thị trấn Mailuu-Suu, Kyrgyzstan
 
Là một thị trấn khai thác mỏ ở miền nam Kyrgyzstan, Mailuu-Suu được biết đến là một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới do bãi chất thải phóng xạ thời Xô Viết gần đó. Các công nhân tại thị trấn Mailuu-Suu sản xuất chất phóng xạ uranium ở giai đoạn từ năm 1946 tới năm 1967 để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy năng lượng nguyên tử và vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Họ cũng chôn hàng triệu tấn chất thải độc hại dọc theo con sông ở thị trấn. 
 
Do ảnh hưởng của chất thải phóng xạ dưới lòng đất, hiện tỷ lệ thanh thiếu niên ở thị trấn được báo cáo là có tỷ lệ ung thư cao và hệ thống miễn dịch kém.
 
Linfen, Trung Quốc
 
 
Tỉnh Sơn Tây và Lâm Phần là một trong những nơi sản xuất than lớn của Trung Quốc. Nếu như năm 1980, tình trạng ô nhiễm không khí ở Mexico City được ví với việc hút hai gói thuốc lá mỗi ngày thì không khí ở Linfen hiện nay được so sánh tương đương với việc hút ba gói thuốc lá một ngày. Tỷ lệ người dân mắc ung thư cũng như các vấn đề liên quan đến bệnh phổi mãn tính là rất cao.
 
Mai Đan
Theo When On Earth
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 nơi ô nhiễm nhất trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO